Trước đây, lần đầu tiên đi du lịch và thuê khách sạn nghỉ ngơi, tôi không hiểu sao những đôi dép kẹp mà chủ khách sạn trang bị ở mỗi phòng đều bị cắt cụt ở phần đầu.
Trước đây, lần đầu tiên đi du lịch và thuê khách sạn nghỉ ngơi, tôi không hiểu sao những đôi dép kẹp mà chủ khách sạn trang bị ở mỗi phòng đều bị cắt cụt ở phần đầu.
Sau đó tôi mới biết nguyên do là người quản lý phòng sợ một số khách tham vặt mang về dùng luôn (hoặc là quên). Dù những đôi dép ấy chỉ đáng vài ngàn đồng- nhưng cứ mất hoài nên họ buộc phải làm thế.
Vào bưu điện, tôi lại đặt dấu chấm hỏi về những cây bút bi để cho khách ghi hóa đơn, viết thông tin gửi tiền có sợi dây lò xo đều bị dán chặt bằng kéo dán sắt lên mặt bàn.
Rất khó khăn trong việc di chuyển khi khách hàng không viết ở vị trí đó (vì đôi khi khách quá đông chiếm hết chỗ, buộc phải qua bàn khác).
Theo như một nhân viên bưu điện quen biết, thì những cây viết rời để trong hộp đặt trước quầy bị một số người tiện tay mang về nhà chứ không đặt lại chỗ cũ nên bưu điện phải dán dính vào bàn như vậy.
Khi tôi đặt tiếp câu hỏi nếu như họ cắt sợi dây lò xò luôn thì sao, chị nhân viên cười: “Thì đành chịu chứ sao! Tham đến thế là cùng!”
Trong các quán nước, những hộp quẹt diêm, bật lửa đặt trên bàn dành cho khách hút thuốc, thỉnh thoảng không cánh mà bay. Nhiều vị khách vô tình, hoặc cố ý, khi rời khỏi quán đã mang theo những chiếc bật lửa.
Một bao thuốc lá lời chẳng bao nhiêu mà đi toi một chiếc bật lửa tầm 2.000 đ/cái thì coi như bán thuốc không công. Vậy nên mới có hình ảnh bật lửa được gắn chết vào đế xi măng nặng trịch để phòng “bệnh bỏ túi”. Hay ở những góc ngã tư trong thành phố có những bình trà đá lạnh miễn phí.
Một ly hoặc một chai nước là thể hiện cái nghĩa cái tình. Nhưng có nhiều người mang rất nhiều chai hứng để dành uống cả ngày nên buộc lòng những nhà hảo tâm phải ghi mảnh giấy: “Chỉ nên lấy đủ uống”.
Ở nhiều nhà vệ sinh miễn phí (do một số ngân hàng tài trợ) tại các bến xe, những chiếc dép dành cho khách mang vào nhà vệ sinh không chỉ bị cắt cụt phần đầu mà còn không cùng đôi (2 chiếc phải hoặc 2 chiếc trái) để khách không mang đi luôn. Nhìn đôi dép thô kệch mà thấy chạnh lòng về sự tham vặt ở nước ta.
Đất nước chúng ta đã hội nhập, đang trên đà phát triển, vì vậy mỗi cá nhân hãy thể hiện mình là người có văn hóa, văn minh. Dù đi đâu, ở bất cứ hoàn cảnh nào, trong hay ngoài nước cũng đừng nên tham lam, dù những thứ nhỏ nhặt.
Nên nhớ mỗi cá nhân người Việt là một phần tế bào thể hiện bộ mặt quốc thể. Đẹp hay xấu là do chính ở mỗi người quyết định. Nếu mỗi cá nhân là một phép văn minh, lịch sử nơi công cộng thì chắc hẳn đất nước chúng ta không những giàu về tài nguyên, tính hào sảng mà giàu cả về bản chất ngay thẳng, thật thà.
ĐẶNG TRUNG THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin