Có thể nói hiện nay ngoài việc ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện xả ra thì đường phố phải gánh thêm tình trạng ô nhiễm từ rác thải, đồ bẩn,… do người đi đường, người dân xung quanh vứt ra.
Có thể nói hiện nay ngoài việc ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện xả ra thì đường phố phải gánh thêm tình trạng ô nhiễm từ rác thải, đồ bẩn,… do người đi đường, người dân xung quanh vứt ra.
Một lần đang chạy xe trên đường, tôi bất ngờ trông thấy từ cửa xe buýt, một cánh tay giơ ra, thả một túi ny lông xuống đường. Tôi vội chạy chậm lại nhưng cuối cùng cũng bị hưởng trọn túi nước thải của những người say xe nôn ra.
Chuyện này không riêng gì tôi mà chắc chắn nhiều người đi đường cũng dễ dàng bắt gặp những hành khách đi ôtô bị say xe hoặc nhậu say xỉn rồi nôn ra túi ny lông vứt xuống đường. Nếu không trúng người đi đường thì các túi ny lông này vỡ ra tạo nên những lớp nhày nhụa khó nhìn trên đường đi.
Đặc biệt, nạn vứt xác động vật chết ra đường của những hộ sống xung quanh khiến đường phố trở nên “xấu xí”.
Hễ bẫy được chuột hay những con vật nuôi trong nhà bị chết thì người dân lại đem vứt ra đường, phương tiện giao thông trên đường qua lại cán những xác động vật thành những miếng khô hoặc thịt xay sau đó thành bụi bẩn tản mặc vào không khí. Gặp những hôm trời mưa, mùi tanh bốc lên khiến người đi đường như muốn phát nôn ra.
Ở các nước tiên tiến, vấn đề giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, đặc biệt là trên đường phố được quan tâm hàng đầu. Còn ở nước ta, chuyện vứt rác, xác động vật, xả nước bẩn,… làm nhớp nhúa đường phố rất khá phổ biến. Có thể gọi hiện tượng này là nếp sống thiếu văn hóa, kém văn minh.
Nguyên nhân của những việc làm nói trên đều do người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường và ở nơi mình sinh sống, thấy người khác làm được thì mình cũng làm được theo kiểu “Cha chung không ai khóc”.
Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng nữa là việc xử lý các vi phạm này chưa được thực hiện mạnh mẽ nên người dân “lờn luật” bởi các ngành chức năng đều có đầy đủ các văn bản, quy định xử lý việc vi phạm chẳng hạn như tại điểm c, khoản 2, Điều 9 của Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 2/7/2010 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội”, người có hành vi vứt rác, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác ra nơi công cộng, chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh, thì bị phạt tiền từ 100.000- 300.000đ. Song ai là người đứng ra xử phạt những vi phạm trên là một điều không hề dễ dàng.
Xả rác bừa bãi là thực trạng rất đáng phê phán vì nó gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và xã hội. Mỗi người hãy tự nâng cao ý thức bản thân với khẩu hiệu: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”! có như thế mới cùng chung tay góp sức phố phường xanh- sạch- đẹp và văn minh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ chính bản thân mình trước nạn ô nhiễm hiện nay.
VĂN THY HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin