Văn hóa giao thông

07:12, 04/12/2014

Vừa qua, một số văn nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh mở cuộc vận động mọi người thực hiện văn hóa giao thông khi tham gia giao thông. Đây là một ý tưởng hay trước thực trạng tai nạn giao thông do các phương tiện giao thông gây ra tại nước ta đang ở mức cao.

Vừa qua, một số văn nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh mở cuộc vận động mọi người thực hiện văn hóa giao thông khi tham gia giao thông. Đây là một ý tưởng hay trước thực trạng tai nạn giao thông do các phương tiện giao thông gây ra tại nước ta đang ở mức cao.

Nếu nêu đơn thuần con số khoảng 10.000 người chết trong cả nước mỗi năm vì tai nạn giao thông nghe chưa gây ấn tượng nhiều, nhưng nếu so sánh đó là dân số trung bình của một xã hiện nay thì quả là một con số đáng sợ. Đó là chưa kể về số người bị thương tật, các thiệt hại về tài sản, chi phí chạy chữa thuốc men, đặc biệt là các hậu quả xã hội từ các tai nạn đó…

Văn hóa giao thông là gì? Theo thiển nghĩ của tôi đây là vấn đề có ý nghĩa rất rộng lớn mà có lẽ bao hàm nhất là tự giác tuân thủ các luật lệ giao thông.

Luật thì Nhà nước đã ban hành, nhưng vẫn còn không ít vấn đề khác của xã hội trong giao thông, chẳng hạn như ban đêm người đi bộ, đi xe đạp trên các lộ lớn, các xuồng nhỏ di chuyển trên sông rạch cần có đèn hay không, có nên đưa thành luật?

Khoan bàn đến các vấn đề đó, theo tôi việc tuân thủ luật giao thông bằng thái độ tự giác thôi cũng chưa đủ vì đó mới là phần chủ quan của người tham gia giao thông, bởi trong từng mối quan hệ xã hội còn có yếu tố khách quan, tức là còn có những con người cụ thể tham gia giao thông cùng thời điểm và ở cả cơ quan quản lý nhà nước về giao thông…

Vì thế, dù đã tuân thủ tuyệt đối luật giao thông, người tham gia giao thông cũng cần có thái độ thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ cần thiết với người cùng tham gia giao thông. Đó là sẵn sàng nhường đường, trao nhau nụ cười hay lời lịch sự khi va chạm hay suýt va chạm, người cản lối đi, thậm chí giải quyết các thiệt hại một cách nhân văn khi tai nạn xảy ra dù ta hoàn toàn đúng luật…

Tôi nghĩ, khía cạnh này các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông cũng phải chú ý đặt mình vào vị trí người tham gia giao thông khi có những quyết định trong xây dựng và bảo dưỡng kịp thời hệ thống giao thông, đặt các biển báo,…

Những quyết định hợp lý của các cơ quan này sẽ giúp cho người tham gia giao thông thuận lợi khi đi trên đường để có thể hạn chế đến mức thấp nhất hành vi cố ý vi phạm luật giao thông.

Có thể lấy ví dụ như trên các con đường lớn có dải phân cách, việc mở các đoạn cắt hợp lý làm dải phân cách không quá dài sẽ có tác dụng hạn chế người chạy xe ngược chiều hay người đi bộ leo qua dải phân cách.

Còn tại ngã tư của giao lộ Nguyễn Thị Út- Lê Lợi của TP Vĩnh Long có một hệ thống đèn báo hiệu giao thông. Hệ thống đèn đỏ, vàng, xanh hoạt động rất nghiêm túc trong khi trên cả hai con đường đó thường rất ít xe.

Vì vậy, có rất nhiều ý kiến của người tham gia giao thông trong thành phố được báo và đài địa phương phản ánh là đề nghị nên đặt chế độ đèn vàng ở chốt đèn này, tức là đèn báo người tham gia giao thông qua ngã tư này nên chú ý các xe đang cùng lưu thông trên đường, nhưng không hiểu vì sao đến nay chốt đèn vẫn hoạt động nghiêm túc như hồi mới có và có rất nhiều người tham gia giao thông đã không tuân thủ nó, nhất là về buổi trưa, còn ngược lại người chấp hành luật phải dừng xe đợi đèn xanh trong khi đường bốn phía vắng tanh.

Nguyễn Văn Tư

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh