Trường học là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục theo sự phân công của xã hội. Đó là môi trường thực sự kết tinh vẻ đẹp văn hóa, phản ánh nếp sống và sinh hoạt của thầy và trò trong suốt một quá trình học tập và rèn luyện.
Trường học là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục theo sự phân công của xã hội. Đó là môi trường thực sự kết tinh vẻ đẹp văn hóa, phản ánh nếp sống và sinh hoạt của thầy và trò trong suốt một quá trình học tập và rèn luyện.
Nghi lễ chào cờ đầu tuần thực sự là nét đẹp văn hóa giúp mọi người có những giây phút lắng đọng để cảm nhận sự thiêng liêng của hình ảnh lá cờ Tổ quốc, nhắc nhở về sự hy sinh cao cả của bao thế hệ cha ông qua bài “Quốc ca” của nhạc sĩ Văn Cao.
Với nhận thức chào cờ đầu tuần có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tấm lòng yêu nước của mỗi con người, định hướng thái độ và ý thức làm việc cũng như học tập của giáo viên và học sinh, nên nhà trường bao giờ cũng xem đó là giờ khắc trang nghiêm nhất khởi đầu một tuần làm việc.
Vì vậy, trước khi diễn ra nghi thức chào cờ, giáo viên chủ nhiệm bao giờ cũng có mặt rất sớm, quan sát và chỉ dẫn cho học sinh của lớp mình ngồi đúng vị trí, thực hiện theo sự điều hành của lớp trưởng. Nhìn các em trang phục chỉnh tề, áo dài trắng thướt tha của nữ sinh và đồng phục áo trắng quần xanh của các nam sinh khiến lòng ta không khỏi bồi hồi, xúc động.
Giáo viên ai nấy cũng đều chỉnh tề, trang phục đúng mực, ánh mắt rạng ngời nhìn xuống học sinh đang xếp hàng ngay ngắn phía dưới với một cảm giác lâng lâng tràn ngập tâm hồn.
Phía trên bục làm nghi lễ chào cờ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc đang tung bay phất phới. Trên nền trời xanh, những ánh nắng đầu ngày bắt đầu sáng lên, xôn xao đan cài qua những vòm lá mới. Ôi chao! Cảm giác ấy có lẽ sẽ theo chúng ta mãi mãi, dù sau này tuổi học trò không còn ở bên ta nữa.
Lúc mới bắt đầu xếp hàng, tiếng nói cười rộn ràng náo nức, nhưng khi người Bí thư Đoàn trường hô vang khẩu hiệu: “Chào cờ, chào!”, tất cả vội vàng trở về không gian im lặng giữa khoảnh khắc đầy thiêng liêng, rồi cất cao tiếng hát tưởng niệm về những người đã hy sinh cho Tổ quốc.
Có lẽ không người dân Việt Nam nào lại không thuộc lòng và yêu mến ca khúc này, bởi từ giai điệu cho đến ca từ, bài hát đã thể hiện được niềm tự hào về truyền thống quật cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc của muôn lớp người dân nước Việt.
Tuy nhiên, để lễ chào cờ thực sự hào hứng và có ý nghĩa giáo dục, thiết nghĩ chúng ta cũng nên lồng vào trong thời gian 45 phút ấy nhiều bài học về giá trị sống, tích hợp kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời có thể tranh thủ chiếu cho các em xem các thước phim tư liệu về danh nhân lịch sử, những vị anh hùng có công với nước nhân những ngày lễ kỷ niệm trọng đại hoặc ngày sinh hay mất của danh nhân.
Thay vì cứ trách mắng, kêu học sinh lên trên để phạt trước hàng ngàn học sinh khác như thế, chúng ta chỉ nên nhắc nhở những gì cần thiết, việc cụ thể cứ để cho giáo viên chủ nhiệm xử lý.
Có như vậy, tiết chào cờ sẽ trở nên sinh động, hấp dẫn, vừa giáo dục được truyền thống vừa nâng cao đạo đức, đồng thời giúp các em có nhiều hưng phấn để chuẩn bị bước vào tiết học đầu tiên của một tuần lễ mới.
Chào cờ thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa có từ rất lâu, càng ngày càng trở thành hoạt động quan trọng đối với các nhà trường từ cấp tiểu học đến bậc đại học. Chào cờ đầu tuần mang ý nghĩa trang nghiêm, giúp mọi người nhận thức được trách nhiệm của mình, từ đó tự bản thân sẽ tâm niệm cống hiến nhiều hơn cho nhà trường và xã hội sau này.
LÊ THÀNH VĂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin