Học sinh dùng điện thoại di động: lợi và hại

02:11, 07/11/2014

Nhiều gia đình không tiếc tiền sắm cho con những chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) hợp thời trang, thứ được giới trẻ coi như món đồ trang sức, thể hiện “đẳng cấp”.

Nhiều gia đình không tiếc tiền sắm cho con những chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) hợp thời trang, thứ được giới trẻ coi như món đồ trang sức, thể hiện “đẳng cấp”.

Nhiều gia đình nghĩ, nhờ có ĐTDĐ mà họ có cơ hội quản lý các em, trong nhiều trường hợp giúp các em thoát khỏi những nguy hiểm từ xã hội nếu thông báo kịp thời đến người thân các cơ quan chức năng... Tuy nhiên, đây là lứa tuổi năng động, nhạy bén, ham khám phá trong khi bản lĩnh chưa vững vàng, thích cái mới nhưng thiếu sự chọn lọc.

Học sinh sử dụng ĐTDĐ cho nhiều mục đích khác nhau như: chơi game trên điện thoại, nghe nhạc trong giờ học, dùng điện thoại để nhắn tin, trêu đùa, hẹn hò, chat chít bạn bè cùng lớp... mà xao nhãng việc học hành dẫn đến kết quả học tập kém. Lại có em do không được gia đình định hướng, không có khả năng làm chủ bản thân nên mất nhiều tiền vào ĐTDĐ và lừa dối cha mẹ, bạn bè, thậm chí trộm cắp.

Thêm nữa, khi sử dụng ĐTDĐ, các em thường ít trao đổi tâm tư, tình cảm với bố mẹ, ông bà và anh chị em. Nhiều vấn đề xã hội và học tập thay vì hỏi cha mẹ, ông bà, anh chị thì các em nhờ ĐTDĐ có kết nối mạng tìm.

Tất nhiên, những đáp án trong đó có thể nhanh và dễ hiểu hơn, nhưng vô hình trung nó làm cho vai trò của người lớn giảm đi, xuất hiện tư tưởng “không cần” đến sự giúp đỡ của cha mẹ, ông bà.

Hơn thế với chức năng nghe nhạc trên ĐTDĐ, nên hết thời gian trên lớp các em lại về phòng mình, mở nhạc, cắm tai nghe, không còn quan tâm tới những gì diễn ra xung quanh... nên quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn.

Tôi thường gặp nhiều em học sinh vừa đi vừa nghe nhạc từ ĐTDĐ rồi nhún nhảy theo, ai nói gì cũng không biết. Nếu không có điện thoại thì các em sẽ quan tâm nhiều hơn đến người xung quanh, lắng nghe mọi thứ bên ngoài, làm cho các em thấy gần gũi với cuộc sống với mọi người hơn và từ đó sẵn sàng sẻ chia mọi chuyện khi cần thiết.

Để hạn chế những mặt tồn tại, bất cập từ việc sử dụng ĐTDĐ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Các bậc phụ huynh chỉ nên cho con sử dụng ĐTDĐ nếu thấy thực sự cần thiết. Nhiều gia đình có điều kiện trang bị cho con ĐTDĐ hiện đại nhiều chức năng, nhưng đôi khi chính từ những chiếc ĐTDĐ đó, vô tình lại làm nảy sinh sự “phân hóa” đối với các bạn cùng trang lứa, thậm chí còn ảnh hưởng tới sự an toàn của các em.

Các bậc phụ huynh cần quản lý sát sao hơn nữa việc sử dụng ĐTDĐ của con em mình. Gia đình dù có điều kiện cũng nên sắm cho con mình loại ĐTDĐ chủ yếu phục vụ cho mục đích nghe gọi, hỗ trợ cho việc liên lạc, trao đổi thông tin. Bởi vì ở lứa tuổi của các em, tư duy, tính cách hình thành chưa đầy đủ, dễ bị tác động bởi các ngoại lực xấu. Việc sử dụng ĐTDĐ trong thời kỳ này cũng như đang cầm con dao hai lưỡi, nếu không biết cách sử dụng hợp lý thì có thể bị “đứt tay” bất cứ lúc nào.

ĐANG THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh