Tôi có mấy người bạn hiện là giáo viên dạy bậc tiểu học. Trong những lúc trò chuyện, họ thường than vãn rằng: “Ngày nay, nhiều học sinh “học trước, quên sau”. Điển hình như ở môn Toán, thầy (cô) đã cố gắng hết sức và đã sử dụng mọi phương pháp để truyền đạt kiến thức cho các em. Vậy mà, khi học xong vài ngày sau kiểm tra lại thì hầu như các em đã quên hết công thức…”
Tôi có mấy người bạn hiện là giáo viên dạy bậc tiểu học. Trong những lúc trò chuyện, họ thường than vãn rằng: “Ngày nay, nhiều học sinh “học trước, quên sau”. Điển hình như ở môn Toán, thầy (cô) đã cố gắng hết sức và đã sử dụng mọi phương pháp để truyền đạt kiến thức cho các em. Vậy mà, khi học xong vài ngày sau kiểm tra lại thì hầu như các em đã quên hết công thức…”
Nghe những lời than vãn đó của mấy người bạn, lúc đầu tôi cứ tưởng vì lý do quá bận bịu với công việc giảng dạy nên họ nói đùa cho quên đi nỗi mệt nhọc. Nhưng, đến khi kiểm chứng thực tế thì tôi phát hiện những lời than vãn của họ hoàn toàn có thật.
Tôi có đứa cháu hiện đang học lớp 5, có lần cháu đang học bài, tôi tìm cách đến bên cạnh và hỏi thử: “Con có học bài về hình chữ nhật chưa?” Đứa cháu liền đáp: “Dạ rồi!” “Vậy công thức tính chu vi hình chữ nhật là gì?”
Trước câu hỏi của tôi, đứa cháu tỏ vẻ thẫn thờ, dùng tay gãi đầu và bảo: “Dạ, chú đợi con một chút”. Nó liền chạy vào bên trong tìm sách. Một lát sau, nó trả lời: “Muốn tính chu vi hình chữ nhật ta lấy chiều dài cộng với chiều rộng cùng đơn vị đo rồi nhân với 2”…
Một anh bạn đồng nghiệp của tôi cho biết, anh có đứa con gái đang học lớp 3. Một hôm, thấy con gái đang học môn Toán anh đến gần và hỏi lờ vài câu. Anh viết ra giấy bài tìm x như sau: 35 - x = 15. Sau đó, anh hỏi con gái đâu là số bị trừ, số trừ và hiệu?
Con bé trả lời rất nhanh và chính xác. Nhưng đến khi anh đặt câu hỏi tiếp theo: “Vậy x ở đây bằng số mấy vậy con?” Lúc này, đứa con gái của anh không tính toán mà lại lẩm nhẩm thật lâu rồi mới trả lời: “Muốn tìm số trừ ta lấy số bị trừ trừ đi hiệu”…
Như chúng ta biết, đối với môn Toán ở bậc tiểu học, trước những công thức tính đều có in thành lời văn. Vấn đề đáng nói là một số học sinh khi học Toán có quan điểm là chỉ chú ý đến lời văn, còn công thức thì không cần quan tâm. Bởi theo các em, một khi thuộc được lời văn của một công thức toán thì sẽ viết được công thức đó.
Từ đó cho thấy, thực tế có không ít học sinh khi học môn Toán chọn cách học thuộc lòng và còn lệ thuộc vào sách vở. Công thức của toán học có thể gặp đi gặp lại trong suốt quá trình học tập cũng như trong cuộc sống sinh hoạt (lúc cần tính toán) của các em.
Thế nhưng, một khi chọn cách học thuộc lòng như thế thì chắc chắn rằng đến một lúc nào đó, khi các em bị quên mất một từ trong câu văn của công thức thì lập tức các em không thể nào nhớ đến công thức đó.
Hiện nay, một số giáo viên ở bậc tiểu học còn chọn phương pháp thiết kế lớp học thông minh bằng cách tận dụng khai thác các bức tường xung quanh. Theo đó, những công thức toán học cũng được thiết kế và bố trí trong phòng học. Thiết nghĩ đây là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả tích cực, giúp cho các em có điều kiện tiếp xúc với những công thức toán hàng ngày khi đến lớp và góp phần khắc sâu vào tâm trí của các em.
NGUYỄN VĂN DÔ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin