“Cò” ơi là “cò”!

10:11, 05/11/2014

Ngày nay, từ “cò” không chỉ được hiểu theo nghĩa đen là “loại chim cẳng cao, cổ dài” (theo Từ điển Tiếng Việt của tác giả Thái Xuân Đệ), mà từ “cò” còn được hiểu theo nghĩa bóng: chỉ những người làm trung gian và ăn chặn, xén bớt tiền công sức, của cải của người khác.

Ngày nay, từ “cò” không chỉ được hiểu theo nghĩa đen là “loại chim cẳng cao, cổ dài” (theo Từ điển Tiếng Việt của tác giả Thái Xuân Đệ), mà từ “cò” còn được hiểu theo nghĩa bóng: chỉ những người làm trung gian và ăn chặn, xén bớt tiền công sức, của cải của người khác.

Thực tế cho thấy, xã hội hiện nay xuất hiện rất nhiều tay “cò” theo những thủ đoạn để kiếm được tiền với phương châm “ngồi mát ăn bát vàng”. Chỉ tính riêng chuyện liên quan đến sản xuất lúa của nông dân thôi là đã có đến mấy loại “cò”. Nào là “cò” mua lúa, “cò” vác lúa…

Điển hình như vụ Thu Đông vừa thu hoạch chẳng hạn. Vào những ngày thu hoạch lúa, rất nhiều nơi xuất hiện những người đi vác lúa thuê cho chủ ghe. Thế nhưng, để có được công việc làm, nhiều người phải nhờ đến những tay “cò” móc nối với các thương lái mua lúa. Và điều dĩ nhiên là những tay “cò” đó sẽ được hưởng phần trăm trên sản phẩm thu được của những người làm thuê (vác lúa bao).

Một người dân chuyên đi vác lúa bao thuê ngụ xã Long Phước (Long Hồ) tâm sự: Vào mùa thu hoạch vụ lúa Thu Đông vừa qua, ở xóm anh có nhiều thương lái đến hỏi thu mua lúa của người dân.

Theo đó, các thương lái có thuê những nhân công đi vác lúa bao từ trên bờ xuống ghe. Tuy nhiên, để xin được đi vác lúa bao cho thương lái cũng không phải là chuyện dễ! Người nào muốn xin được phải thông qua những tay “cò”. Tiền công mà “cò” trả mỗi tấn lúa là 40 ngàn đồng.

Trong khi đó, anh được biết là tiền công mà chủ ghe trả cho những tay “cò” là 50 ngàn đồng/ tấn. Vậy là những nhân công vác mỗi tấn lúa bị “cò” “bóp cổ” lấy hết 10 ngàn đồng. Chuyện này mặc dù ai cũng biết nhưng không ai dám nói ra. Vì nếu nói thì sẽ có ai thuê mình làm. Thôi mặc kệ xem như không có chuyện gì để có được công việc làm…

Trong cuộc sống hiện nay, đối với một số người (nhất là những người khá giả) thì số tiền 10 ngàn đồng chẳng đáng là bao nhiêu. Nhưng chúng ta thử nghĩ, những người công nhân đi vác lúa thuê mỗi ngày không phải chỉ vác có vài ba tấn lúa, mà cả chục tấn, với số lượng như thế thì thật là đáng kể.

Trong khi đó ở nông thôn, nhiều người chỉ sống bằng nghề thuê, làm mướn. Tất cả những khoản chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào tiền làm thuê, từ việc cho con cái đi học, tiền sinh hoạt hàng ngày… đều phải trông chờ vào tiền làm thuê mà có đó. Đối với họ, dù ít hay nhiều cũng là do công sức của họ đã bỏ ra và đáng lẽ họ phải được thừa hưởng trọn vẹn. Đằng này, họ lại bị “cò” xén bớt.

NGUYỄN VĂN DÔ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh