Câu like

07:11, 06/11/2014

Nút like trên mạng xã hội Facebook đơn thuần chỉ là biểu tượng tượng trưng cho sự đồng ý, thích, ủng hộ hoặc có nghĩa cảm thông. Sự ra đời của nút like hết sức tuyệt vời, bởi không cần comment (bình luận) cũng đủ để thay lời muốn nói. Tuy nhiên, nút like dần dần trở nên biến tướng vì những thành viên muốn tìm kiếm… like.

Nút like trên mạng xã hội Facebook đơn thuần chỉ là biểu tượng tượng trưng cho sự đồng ý, thích, ủng hộ hoặc có nghĩa cảm thông. Sự ra đời của nút like hết sức tuyệt vời, bởi không cần comment (bình luận) cũng đủ để thay lời muốn nói. Tuy nhiên, nút like dần dần trở nên biến tướng vì những thành viên muốn tìm kiếm… like.

Bây giờ like không đơn thuần là thích mà đôi khi là không thích, like cho bõ ghét. Thành ra like mất dần ý nghĩa. Người ta có thể like vô tội vạ, cứ thấy hình ảnh, bài bình luận, clip gây sự chú ý là like mà chẳng hề xem qua nội dung là gì.

Đặc biệt nếu càng lạ, càng sốc thì càng nhận được nhiều like. Chính vì lẽ đó mà rất nhiều tài khoản trên Facebook vì muốn câu like mà đánh mất nhân cách, đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật. Nói đúng hơn là bất chấp thủ đoạn để câu like.

Người nhận được nhiều like thì càng chứng tỏ đẳng cấp của mình. Và sự nổi tiếng trên Facebook được đánh giá thông qua số lượng thành viên và like.

Rất nhiều tài khoản trên Facebook vì muốn tăng số lượng thành viên theo dõi, muốn được nhiều like mà không ngần ngại khoe thân, làm trò hề, tung clip “giường chiếu” của chính bản thân mình cho thiên hạ rửa mắt.

Chưa dừng lại ở đó, có những thanh niên còn giết cả động vật quý hiếm (liệt vào Sách Đỏ), đang ngồi tù vẫn “chụp ảnh tự sướng” rồi đăng lên Facebook để khoe “chiến tích”. Thậm chí nhiều thành viên còn bất chấp xúc phạm cá nhân, tập thể và bịa chuyện chỉ để tìm like.

Gần đây nhất là vụ một người đàn ông ở TP Quy Nhơn (Bình Định) đã bịa ra bức thư và nhờ con gái mình viết lại, sau đó chụp hình đưa lên Facebook. Hình ảnh dàn dựng, ngụy tạo bài tập làm văn trên đã tạo ra dư luận xấu, gây ảnh hưởng đến chính sách hậu phương quân đội của Đảng và Nhà nước. Kết quả ba tờ báo mạng bị mắc lừa, chịu phạt từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Riêng anh ta không tránh khỏi sự chế tài của pháp luật.

Một số nhà sư cũng không tránh khỏi sự xô bồ của công nghệ. Trong tháng 9/2014 vừa qua, đã có 2 nhà sư hành động trái với giáo lý, làm đánh mất niềm tin của phật tử.

Nhà Phật không cấm tăng, ni sử dụng mạng xã hội, vì đây là nhu cầu cần thiết dùng để liên lạc, trao đổi thông tin với tất cả mọi người. Tuy nhiên, không thể nào chấp nhận việc nhà sư đăng những bức ảnh phản cảm tìm like, gây tiếng xấu trong dư luận.

Đã là mạng xã hội tất nhiên cũng như đời thực, ai cũng có quan điểm và suy nghĩ riêng. Câu like và like là quyền của mỗi cá nhân. Tuy nhiên mỗi cá nhân cần có trách nhiệm làm trong sạch mạng xã hội bằng việc ý thức và tẩy chay ngay những hành động câu like phản cảm. Đừng vì những phút bốc đồng mà đánh mất nhân cách của mình hoặc rơi vào vòng lao lý.

NGUYỄN THANH VŨ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh