Đôi điều về mối quan hệ thầy- trò

07:10, 01/10/2014

Mấy lúc gần đây, báo chí đã không ngớt đưa tin quanh chuyện dạy và học ở nhà trường. Từ chuyện học chữ nghĩa, chuyên môn, dạy thêm- học thêm, chạy theo thành tích dẫn đến những kết cuộc đau lòng, cười ra nước mắt. Lại vừa thêm mấy chuyện nóng hổi về việc nhờ tay chính quyền “tra hỏi, ép cung” các em học tiểu học. Quả là những chuyện đau lòng, không riêng gì người trong cuộc

Mấy lúc gần đây, báo chí đã không ngớt đưa tin quanh chuyện dạy và học ở nhà trường. Từ chuyện học chữ nghĩa, chuyên môn, dạy thêm- học thêm, chạy theo thành tích dẫn đến những kết cuộc đau lòng, cười ra nước mắt. Lại vừa thêm mấy chuyện nóng hổi về việc nhờ tay chính quyền “tra hỏi, ép cung” các em học tiểu học. Quả là những chuyện đau lòng, không riêng gì người trong cuộc mà ngay cả những người bàng quan cũng không thể không bức xúc.

Theo thiển ý của chúng tôi, không phải chỉ mấy năm gần đây mà đã khá nhiều năm rồi, mối quan hệ thầy trò và những vấn đề quanh nó đã làm trăn trở bao người có trái tim thiết tha đến sự nghiệp giáo dục. Không thể nói thầy xấu hay trò xấu.

Không thể cứ nhìn vào một hai chuyện xảy ra, lại úp chụp về một phía. Nếu công bằng mà nói, trách nhiệm ở mọi phía mọi nơi. Từ người dạy học, người quản lý ngành giáo dục, cha mẹ học sinh và bản thân các em nữa.

Về việc xảy ra mới đây, cho thấy lương tâm, trách nhiệm và trình độ sư phạm của những giáo viên trong cuộc có bề khiếm khuyết. Vấn đề không phải là cách chức, thuyên chuyển hay trừng phạt và vấn đề không phải chỉ ở vài cá nhân. Ngành sư phạm vốn không chỉ dạy kiến thức.

Câu nói ngàn vàng “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng không chỉ nhắm vào học trò. “Lễ” là cách cư xử, là phép tắc phải tuân theo trong phạm vi mà cá nhân và xã hội đồng thuận. Vậy thì muốn học sinh “giữ lễ”, ắt thầy cô giáo phải làm gương trước.

Tôi nhớ thời còn cắp sách đến trường, trong lòng tôi, thầy cô giống như những bậc tiên thánh, đến nhìn vào mặt các thầy cô, tôi còn không dám. Và khi đã không còn học nữa, gặp lại thầy cô cũ, lòng vẫn còn tình cảm kính trọng và quý yêu. Còn thầy cô đối với đám học trò thì như cha mẹ đối với con, hết lòng bảo ban, dạy dỗ.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể lấy cái mốc cũ thời gian để nhìn sự việc. Xã hội loài người tiến xa nhiều rồi, con người cũng thay đổi. Lớp trẻ bây giờ suy nghĩ nhanh và hành động cũng nhanh. Người ta có nhiều việc hơn để làm.

Mối quan hệ thầy trò đã trở nên gần gũi và vô tình đã không còn cái vạch phân định trên dưới nữa rồi. Bây giờ, không lạ gì chuyện thầy trò ăn chung, nhậu chung, chơi chung… Và cũng không lạ gì chuyện học trò bất kính với thầy cô (luôn cả chuyện hành hung gây thương tích).

Chúng ta không thể quy hết mọi trách nhiệm cho nhà trường. Con em chúng ta chỉ đến trường từ 4- 8 giờ mỗi ngày, thời gian còn lại chúng thuộc về chúng ta. Trách nhiệm của cha mẹ, của gia đình là nặng nề nhất. Tình trạng mỗi gia đình chỉ có 1- 2 con cộng thêm mức sống cao hơn, khá giả hơn đã đẩy một số đông các bậc cha mẹ cưng chiều con quá mức, dẫn đến hại con mà không hay.

Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, chúng cần được quan tâm chăm sóc đúng mức. Cần được vun bồi không những tri thức mà còn cả đạo đức nữa. Nếu thầy cô có quan tâm giáo dục mà gia đình làm ngược lại thì sẽ chẳng có kết quả gì.

Và để những sự việc đau lòng trong mối quan hệ thầy trò đừng xảy ra nữa, thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta phải nhìn lại mình. Thầy cô hãy có lòng hơn với học trò. Các bậc phụ huynh phải quan tâm dạy dỗ con em mình hơn nữa và cộng đồng xã hội cũng phải vào cuộc. Chúng ta cứ cố gắng vun trồng, lo gì không có những cây đời xanh tốt.

TRẦM NGUYÊN Ý ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh