Rác thải- không còn là chuyện nhỏ

07:09, 16/09/2014

Môi trường thiên nhiên gắn bó mật thiết với con người nên con người phải có ý thức bảo vệ. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người đang được báo động. Trong đó vấn đề bức bách nhất là xả rác ra đường hoặc nơi công cộng.

Môi trường thiên nhiên gắn bó mật thiết với con người nên con người phải có ý thức bảo vệ. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người đang được báo động. Trong đó vấn đề bức bách nhất là xả rác ra đường hoặc nơi công cộng.

Không phải là nhà mình, sân mình, ngõ mình nên cứ vứt rác “vô tư”. Đó không phải là suy nghĩ của một người mà là rất nhiều người bởi tôi đã nghe họ nói ra, đã thấy qua hành vi của họ. Rác từ trong nhà được vứt ra vỉa hè, lề đường để... nhà sạch.

Rác chất thành từng bao tải dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện, thậm chí đầu nguồn nước, miễn sao... vườn nhà mình sạch. Ngày này sang ngày khác, người ta nhìn quen mắt, nếu có ô nhiễm môi trường hay làm mất mỹ quan đường phố thì đã có người khác lo.

Tôi có người bạn là chủ quán ăn, khi tôi hỏi vì sao anh không đặt giỏ rác dưới bàn thì anh trả lời rằng tôi có đặt nhưng người ta đều “vô tư” vứt rác xuống sàn nhà. Người lớn vứt nên trẻ con cũng làm theo, ít người bỏ vào giỏ rác mà tôi không dám nhắc nhở vì sợ mất khách nên cuối buổi tôi dọn cho xong. Cũng vì vậy mà khách đến sau thường phải chịu cảnh ngồi ăn giữa bộn bề rác: giấy lau miệng, xương gà, xương heo...

Ở trường, nhiều học sinh được học về cách phân loại và xử lý rác thải, song về nhà, thấy bố mẹ không thực hiện, lại thản nhiên vứt rác ra đường, xuống sàn nhà hàng quán nên dần dần các em cũng quên mất điều đã học.

Sự thật chứng minh rằng, khi chúng ta xem một cái gì trong thời gian dài thì trong tâm ta sẽ bị ảnh hưởng, có xu hướng làm theo và đứa trẻ cũng vậy. Thay vì chúng ta dạy những đứa trẻ: “rác là thứ bẩn thỉu, hôi thối” thì nên dạy: “rác nếu được ở trong thùng sẽ rất tuyệt,…”.

Những việc làm này đều do một bộ phận người dân vô ý thức trong bảo vệ môi trường, bảo vệ thành phố, nơi mình sinh sống. Nhìn vào bộ mặt của các đô thị, người ta có thể đánh giá trình độ và mức độ phát triển của một quốc gia.

Ở các nước tiên tiến như Singapore, Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc,... vấn đề giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường sạch đẹp được quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, cũng vì trong thành phố chúng ta có quá ít thùng rác hay thùng rác chỉ được đặt ở những con phố lớn, nhiều người qua lại, còn trên những con phố nhỏ khi cần vứt rác thì lại không có thùng rác.

Như thế sẽ khiến cho thói quen này ngày càng tăng cao bởi nhiều người lấy cớ đó để xả rác mà không ai nói gì.

Thiết nghĩ, để đi đến một ý thức “mọi người vì mình, mình vì mọi người” là một câu chuyện dài, nhưng không phải là không làm được. Điều quan trọng nhất chính là ý thức tự giác điều chỉnh hành vi, thói quen (xấu) ở mỗi người.

Đây là câu chuyện của mọi người, mọi nhà, nhưng luật pháp phải có vai trò quan trọng. Khi luật pháp được cụ thể hóa, tôn vinh những việc làm đúng, xử phạt nghiêm minh những việc làm sai, từ đó mỗi người có thể và buộc phải điều chỉnh hành vi ứng xử của mình cho phù hợp.

NHẤT HUỲNH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh