Bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em

07:08, 26/08/2014

Năm 2014, các nước trên thế giới kỷ niệm 25 năm ngày ký Công ước về quyền trẻ em. Công ước chính là “lời hứa” của các quốc gia làm mọi việc trong khả năng của mình để bảo đảm mọi trẻ em được bảo vệ và tránh khỏi các hình thức bạo lực.

Năm 2014, các nước trên thế giới kỷ niệm 25 năm ngày ký Công ước về quyền trẻ em. Công ước chính là “lời hứa” của các quốc gia làm mọi việc trong khả năng của mình để bảo đảm mọi trẻ em được bảo vệ và tránh khỏi các hình thức bạo lực.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng vẫn còn hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới đang bị bạo hành, bóc lột, xao nhãng và hàng triệu em khác đang có nguy cơ trước vấn nạn này.

Bạo lực là những hành vi làm tổn hại đến thể xác và tình cảm của trẻ em. Các hình thức đó bao gồm: kỷ luật bằng bạo lực, sử dụng hình phạt về tâm lý, đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp và bạo hành tình dục… ở một khía cạnh khác, luôn được coi là vấn đề nhạy cảm, đó là nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Thế nhưng, bạo lực, xâm hại trẻ em đến nay vẫn được coi là vấn đề riêng của mỗi gia đình, hầu hết các vụ bạo hành đều không được dư luận xã hội quan tâm biết đến để lên án.

Nhiều năm qua, công tác bảo vệ trẻ em ở nước ta đã được cải thiện theo chiều hướng từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách trợ giúp, cơ chế thực hiện. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã xây dựng nhiều mô hình bảo vệ trẻ em: thí điểm hệ thống bảo vệ trẻ em, tăng cường cung cấp dịch vụ, huy động nguồn lực tại cộng đồng nhằm bảo đảm mọi trẻ em được bảo vệ. Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (18001567) tiếp tục được duy trì, góp phần can thiệp, trợ giúp cho nhiều trẻ em hòa nhập cộng đồng…

Hiện nay, các dịch vụ bảo vệ trẻ em ở nước ta vẫn hoạt động nhưng tập trung nhiều vào việc trợ giúp, phục hồi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn thương do bạo lực, xâm hại.

Tuy nhiên, các hoạt động trợ giúp chưa mang tính liên kết giữa các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, tôn giáo và đội ngũ cán bộ chưa chuyên nghiệp, loại hình dịch vụ chưa phong phú.

Do đó, các cấp, các ngành cần tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em từ việc mở rộng, chuyên nghiệp hóa đội ngũ trợ giúp cũng như tăng cường các loại hình dịch vụ, chú trọng nhiều hơn đến bảo vệ và các hoạt động vui chơi, giải trí; xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ.

Bạo lực sẽ phá hủy cuộc sống và tương lai của trẻ. Khi bạo lực xảy ra, những vết thương trên thân thể có thể sẽ biến mất nhưng vết sẹo trong tâm hồn thật khó phai mờ.

Các bằng chứng khoa học, y học và tâm lý học đã cho thấy, bạo lực, bóc lột và xâm hại có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ; làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội của các em, tác động đến quá trình trưởng thành và để lại những hệ quả tiêu cực trong cuộc sống sau này.

Những hệ lụy của bạo lực với trẻ em có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế do mất năng suất lao động, khuyết tật và giảm chất lượng cuộc sống, kéo lùi sự phát triển toàn diện của một quốc gia. Vì vậy, các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội phải cùng vào cuộc để ngăn chặn bảo đảm, gìn giữ, nâng niu những “búp trên cành” được bình an, vui tươi, trưởng thành.

Phạm Như Hùng

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh