Chị Trần Thị Loan ở ấp Phú An (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) năm nay 40 tuổi nhưng khù khờ như trẻ con. Đã vậy, chị còn chăm sóc mẹ già bị thần kinh và bị liệt nên cuộc sống rất khó khăn.
Chị Trần Thị Loan ở ấp Phú An (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) năm nay 40 tuổi nhưng khù khờ như trẻ con. Đã vậy, chị còn chăm sóc mẹ già bị thần kinh và bị liệt nên cuộc sống rất khó khăn.
Căn nhà tình thương do các nhà hảo tâm cất cho mẹ con chị Loan nằm khuất dưới vườn cây của hàng xóm, bên trong ngổn ngang áo quần, thau chậu và mùi ẩm mốc. Chị Trần Thị Chín (ở kế bên) thường tới lui dọn dẹp, giúp tắm cho mẹ chị Loan, kể:
“Nhà cửa bề bộn vậy chứ không biết quét dọn. Suốt ngày, 2 mẹ con chỉ ngồi chơi mấy vỏ rau câu như con nít. Chiều nào tôi cũng phải nhắc nó đi tắm, không nhắc là một bộ đồ 2- 3 ngày không thay. Nấu cơm thì bữa sống, bữa nhão.
Thức ăn tôi làm ướp sẵn chỉ cho kho nhưng lúc làm được, lúc không. Nhìn nó lơ ngơ mà phải chăm sóc mẹ ngây ngây, dại dại chỉ ngồi một chỗ, bà con ai cũng thương nên có gì ăn đều mang đến cho”.
Gia đình chị Loan thuộc diện nghèo, sống chủ yếu nhờ vào tiền Nhà nước trợ cấp cho người bệnh tâm thần (270.000 đ/ tháng) nên luôn thiếu trước hụt sau. Vì thế, mì gói, bánh tây bà con cho là những thức ăn mẹ con chị Loan thường dùng để thay cơm. Ăn riết rồi quen nên hết mì, hết bánh là chị Loan lại trông ai đó đến cho.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Hòa Phước, cho biết: “Trước đây, 2 mẹ con chị Loan sống rất rụt rè, thấy có người là chạy trốn không dám tiếp xúc. Chúng tôi tới lui thăm hỏi, vận động Mạnh thường quân giúp tiền, quà,… chị Loan mới cởi mở dần và chịu trò chuyện khi có người đến thăm”.
Được cộng đồng quan tâm, chia sẻ, chị Loan dần thân thiện với những người xung quanh. Mẹ chị cũng có lúc tỉnh và nhận ra mình là ai, có mấy anh chị em, chứ không ngây dại nhớ hoài độ tuổi 21 bị kẻ xấu cưỡng bức đến có thai rồi sinh ra chị Loan.
Tuy nhiên, sự trợ giúp của địa phương có giới hạn nên chỉ dừng lại ở mức “cho mì, cho gạo”, trong khi đôi chân chị Loan bắt đầu “đi đứng lựng khựng” mà không rõ vì sao.
“Mẹ chị Loan hồi trước cũng bị như thế nhưng không tiền chữa trị nên dần dần liệt luôn. Chị Loan tuy không bình thường nhưng cũng lo cơm nước cho mẹ được. Giờ chị mà liệt nữa thì ai chăm sóc cho 2 mẹ con nên chúng tôi mong có một khoản tiền để đưa chị đi khám và điều trị”- chị Trang chia sẻ.
Do không nhận thức được sức khỏe của mình và những khó khăn đang chờ phía trước nên trên môi chị Loan luôn nở nụ cười hồn nhiên. Lúc chúng tôi ra về, chị còn nói với theo bằng giọng ngọng nghệu: “Hết mì, hết bánh rồi… Thích mì, thích bánh thôi”.
Chúng tôi hứa, ngày quay lại sẽ mang nhiều mì, nhiều bánh cho chị. Và hy vọng sẽ có nhiều nhà hảo tâm cùng chia sẻ để chị Loan có tiền chữa bệnh và được tiếp tục đi trên đôi chân của mình.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ của bạn đọc xin gửi về địa chỉ gia đình chị Loan
hoặc liên hệ Phòng Bạn đọc- Xã hội Báo Vĩnh Long- số 204/3 đường Phạm Hùng, Phường 9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Điện thoại số: (070) 3833853.
Bài, ảnh: PHƯỢNG NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin