Việc đặt cọc phải lập thành văn bản

01:06, 04/06/2014

Tôi dự định mua hàng có giá trị, nhưng vì chưa gom đủ tiền nên phải chờ ít hôm. Để bảo đảm việc mua bán, chủ hàng yêu cầu đặt cọc một khoản tiền (khá nhiều) và tôi đã thực hiện theo nhưng không làm giấy tờ. Có người nói việc đặt cọc phải làm giấy. Điều này làm tôi bất an trong lòng. Vậy, tôi phải làm sao? Nếu tôi không đủ tiền mua, số tiền cọc giải quyết như thế nào?

Tôi dự định mua hàng có giá trị, nhưng vì chưa gom đủ tiền nên phải chờ ít hôm. Để bảo đảm việc mua bán, chủ hàng yêu cầu đặt cọc một khoản tiền (khá nhiều) và tôi đã thực hiện theo nhưng không làm giấy tờ. Có người nói việc đặt cọc phải làm giấy. Điều này làm tôi bất an trong lòng. Vậy, tôi phải làm sao? Nếu tôi không đủ tiền mua, số tiền cọc giải quyết như thế nào?

L.H.A. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Trường hợp anh dự định thực hiện được quy định tại khoản 1 Điều 358 Bộ luật Dân sự, như sau: Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.

Vậy, nếu anh đã đưa tiền cọc nhưng chưa làm giấy, anh nên gặp chủ hàng tiến hành việc làm giấy, ghi rõ số tiền đã đặt cọc và các điều khoản ràng buộc trách nhiệm của nhau.

Số tiền đặt cọc sẽ được xử lý theo khoản 2 điều luật trên: Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh