Học ăn, học nói

06:05, 01/05/2014

“Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thuở nhỏ, tôi học lớp vỡ lòng, ông bà cha mẹ tôi thường răn dạy: “Có mồm ăn thì phải có mồm nói”. Chả là có những lúc đi học về tôi chưa kịp vòng tay chào ông bà, cha mẹ. Khi lớn lên, cuộc sống trang bị cho tôi kiến thức, tôi mới hiểu ra rằng: Ông cha ta nói quả là có lý.

“Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thuở nhỏ, tôi học lớp vỡ lòng, ông bà cha mẹ tôi thường răn dạy: “Có mồm ăn thì phải có mồm nói”. Chả là có những lúc đi học về tôi chưa kịp vòng tay chào ông bà, cha mẹ. Khi lớn lên, cuộc sống trang bị cho tôi kiến thức, tôi mới hiểu ra rằng: Ông cha ta nói quả là có lý.

Con người ta khi cha sinh mẹ đẻ ra đã là con người rồi, đó là nhận xét về mặt sinh học. Còn sống làm sao cho ra “con người” thì quả là một vấn đề khó, cần phải trải qua tu dưỡng, rèn luyện, học tập, phấn đấu mới có được.

Chẳng phải tổ tiên loài người phải trải qua mấy ngàn năm tiến hóa mới có chúng ta hôm nay sao? Ôi biết bao nhiêu điều phải nói, bao nhiêu việc phải làm.

Nhưng ở đây tôi không dám nói đến việc nói sao cho giỏi, cho hay như các nhà hùng biện, ngoại giao, mà muốn nói đến việc nói năng, ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Hiện nay có một số nam nữ thanh niên ở chỗ đám đông hay trong cư xử nói năng với nhau thường thô lỗ và kém văn hóa, làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Tôi xin nêu một câu chuyện: “Hồi tôi học lớp 6, trong giờ thầy giáo đang giảng bài, Hùng quay xuống bàn dưới buông một câu nói hết sức tục tỉu. Thầy giáo ngừng giảng, đương nhiên là Hùng được mời lên bảng. Thầy hỏi cả lớp: “Các em có ngửi được mùi gì không?” Cả lớp đồng thanh thưa: “Dạ không ạ!” Thầy nói: “Tôi ngửi thấy mùi hôi lắm, nó được phả ra từ miệng bạn Hùng”.

Cả lớp yên lặng, sau đó thầy đưa cho Hùng ca nước lọc và bảo: “Ra ngoài lớp súc miệng cho kỹ và rửa hai lỗ tai cho sạch sẽ rồi hãy vào lớp học tiếp”. Chuyện thật đơn giản, nhưng cả lớp chúng tôi ngầm hiểu thâm ý của thầy: “Nói tục là bẩn cả miệng và bẩn cả tai”. Bài học ấy đã đi với tôi suốt chiều dài năm tháng. Thế mới biết nói năng là biểu hiện sự văn hóa của một con người.

Còn cách chào hỏi thì sao? Người xưa đã có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Lời chào làm cho con người gần gũi và thân thiện với nhau hơn. Ngày tôi mới ra trường công tác, chúng tôi đang chuẩn bị cho tiết dạy thì một cháu gái khoảng 16 tuổi bước vào phòng hội đồng (tôi đoán cháu học lớp 8 hay lớp 9 gì đó.

Cháu hỏi: “Có mẹ đây không ạ?” Cô Hằng liền hỏi lại cháu: “Cháu đang hỏi ai? Vậy mẹ của cháu hay mẹ chung của các cô và cháu?” Cháu biết mình sai nên bỏ đi. Đó là các em ở lứa tuổi mới lớn. Còn đối với một số người có học hành giáo dục đến nơi, đến chốn nhưng việc ăn nói của họ đôi khi cũng thiếu nhân cách.

Có một cô giáo mới ra trường (trước đây là học sinh của tôi) được phân về dạy cùng trường với tôi. Hôm tôi đi họp phụ huynh cho cháu (con của em tôi), bất thình lình một bàn tay của ai đó vỗ vai tôi đánh bộp: “Ngày mai mang giấy khai sinh cho cháu”. Cô ấy thản nhiên như bạn nói cùng trang lứa trong khi thừa biết, tôi vừa là cô giáo trước đây của cô, vừa là bạn của cha mẹ cô ấy.

Trong giao tiếp, ứng xử, chào hỏi phải có đủ chủ ngữ, vị ngữ, có nội dung, ý nghĩa tương đồng, phải biết phân biệt giữa chào và hỏi. Người ít tuổi thì chào người nhiều tuổi; con cháu thì phải chào ông, bà, cha mẹ… Học sinh thì phải chào thầy giáo, cô giáo…

Còn hỏi là cách giao tiếp ứng xử giữa người trên và lớp dưới hoặc với người bằng vai, bằng lứa với mình hay bạn bè thân thiết. Người Việt Nam ta từ xưa đến nay có truyền thống trọng đạo nghĩa, nên người ít tuổi bao giờ cũng chào hỏi người nhiều tuổi, nếu ngược lại thì xem là vô lễ.

Vậy đấy! Để trở thành một con người có đạo đức, có văn hóa thì việc học nói là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu không ngừng mới đáp ứng được tốc độ phát triển hội nhập của đất nước.

Hãy xây dựng cho mình một tác phong đúng đắn, nói năng nghiêm túc để có một hành trang đạo đức tốt. Cần tránh lối nói năng theo kiểu buông thả. Hãy sống có trách nhiệm với chính mình và với mọi người nhằm tạo nên một lối sống văn hóa, văn minh, lịch sự.

HOÀNG BÍCH HÀ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh