Đây là câu chuyện mà tôi biết được thông qua lời kể của một người chị bạn tôi. Chị ấy hiện là giáo viên đang dạy ở bậc tiểu học.
Đây là câu chuyện mà tôi biết được thông qua lời kể của một người chị bạn tôi. Chị ấy hiện là giáo viên đang dạy ở bậc tiểu học.
Kỳ kiểm tra giữa học kỳ II vừa qua, chị được Ban Giám hiệu trường phân công làm giám khảo chấm thi khối lớp 5. Điều khiến cho chị không thể ngờ là lớp chị phụ trách chấm có 35 bài thi của học sinh và hầu như bài thi của các em đều có nội dung rất giống nhau.
Đặc biệt là ở phần Tập làm văn, đề nhà trường cho là “Em hãy tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích?” Tất cả các em đều chọn đối tượng tả là cái quạt máy. Không những thế, có nhiều bài giống nhau từng câu, chữ và ngay cả dấu câu cũng giống nhau.
Chị bạn tôi cho biết, ban đầu khi mới chấm có vài bài là chị đã phát hiện tình trạng bài giống nhau. Tuy nhiên, khi đó chị lại nghĩ: “Có lẽ các em này copy trong lúc làm bài nên mới có nội dung bài thi giống nhau như thế”. Nhưng, khi đọc lướt qua gần hết bài thi của các em thì phần Tập làm văn của các em có nội dung và cách trình bày giống hệt nhau.
Chắc chắn là thầy (cô) chủ nhiệm của các em đã dùng phương pháp dạy bài làm văn mẫu nên mới có trường hợp toàn bộ bài làm của các em giống nhau như thế! Trước tiên, thầy (cô) đọc thật kỹ cho học sinh ghi.
Sau đó, về nhà các em học thuộc lòng và đến lúc thi thì chỉ việc nhớ và chép lại là xong chứ không cần tư duy hay diễn tả theo cảm xúc. Chị nói: Thực tế, vẫn có một số ít thầy (cô) vì mong muốn học sinh của mình đạt điểm cao trong học tập nên đã sử dụng phương pháp “đọc cho học sinh chép bài văn mẫu”.
Như chúng ta biết, một giáo viên khi áp dụng phương pháp như thế trong giờ dạy Tập làm văn cho học sinh thì sẽ hạn chế khả năng tư duy của học sinh, khiến cho các em ỷ lại và thụ động trong học tập. Do đó, giáo viên cần phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công tác, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
NGUYỄN VĂN DÔ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin