Cô bé nhà nghèo với nỗi lo mất mẹ

03:05, 02/05/2014

Sống trong nghèo khó và chứng kiến cảnh mẹ đớn đau vật vã mỗi ngày vì bệnh tật, cô bé Nguyễn Thị Ngọc Trân (8 tuổi- ở ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện- Trà Ôn) luôn mang nặng nỗi buồn, đôi mắt lúc nào cũng chực chờ rơi lệ.

Sống trong nghèo khó và chứng kiến cảnh mẹ đớn đau vật vã mỗi ngày vì bệnh tật, cô bé Nguyễn Thị Ngọc Trân (8 tuổi- ở ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện- Trà Ôn) luôn mang nặng nỗi buồn, đôi mắt lúc nào cũng chực chờ rơi lệ.

Vượt qua hơn 50 cây số và con đò chòng chềnh sóng nước, chúng tôi tìm đến nhà bé Ngọc Trân ở cồn Tân Qui (thuộc ấp Tích Khánh) dưới cái nắng như nung. Căn nhà tình thương do Ban Từ thiện- Hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long vận động hỗ trợ, cất từ nhiều năm qua, bên trong chẳng có gì đáng giá.

Trên chiếc giường cũ kỹ kê tạm bên chái nhà, chị Trần Thị Nguyệt (mẹ bé Trân) gắng gượng ngồi dậy, giọng thều thào, đứt quãng: “Mệt quá cô ơi, đi đứng không được nên nằm bẹp trên giường”.

Chị Nguyệt bị suy tim giai đoạn cuối, do không tiền chữa trị nên bệnh ngày càng trở nặng và đã biến chứng sang phổi, thận. Chị Nguyệt kể: Mười mấy năm trước đã phát hiện bệnh, nhưng lúc đó con còn nhỏ, vợ chồng đi đặt lờ, cào hến, làm thuê không đủ sống, nên lúc nào bệnh nhiều thì vay mượn tiền đi bệnh viện.

Đau ít thì “lớt lớt” cho qua. Đã vậy, bé Trân chào đời còn mang căn bệnh tim bẩm sinh nên èo uột, đau ốm triền miên. “Thấy con mới mấy tuổi, chơi chút là chạy vào nằm ôm ngực thở dốc. Tội lắm nên vợ chồng tôi chỉ mong bé Trân có được sức khỏe để nó có thể tiếp tục sống và lớn lên như bao đứa trẻ khác”- chị Nguyệt tâm sự.

Quên bệnh tật để lo cho con nên khi bé Trân được chọn mổ tim từ chương trình “Trái tim nhân ái”, chị Nguyệt và chồng mừng rơi nước mắt. Nhưng niềm vui con được cứu sống chưa kịp vơi thì nỗi lo khác lại ập đến.

Chị Nguyệt phát bệnh nặng, ăn uống không được, bụng phình to, tay chân teo dần không đi đứng được. “Qua Cần Thơ khám, bác sĩ cho thuốc uống thì bụng xẹp, tay chân bớt tê, không thuốc thì đau vật vã. Hồi trước, vợ còn đi lại được, ngoài đặt lờ bắt cá bán, ai thuê mướn gì tui cũng làm. Giờ vợ bệnh nặng không dám bỏ đi xa, sợ có gì bé Trân không xoay xở được. Sáng nào tui cũng nấu cơm để sẵn, cho vợ tắm, tiêu tiểu xong mới bơi xuồng đi đặt lờ bắt cá bán.

Tiền kiếm được chỉ đủ mua gạo thôi. Bé Trân mổ tim mấy tháng nay cũng tái khám có một lần, bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh cứ điện xuống kêu lên kiểm tra vết mổ con bé lành hẳn chưa mà tui không có tiền đi”- anh Nguyễn Văn Cứng (cha bé Trân) bùi ngùi, kể.

Vợ chồng chị Nguyệt có 3 người con, 2 đứa lớn đang làm thuê ở Bình Dương và đều có gia đình riêng, cuộc sống cũng “nghèo xơ xác” nên lâu lâu gửi về cho mẹ đôi ba trăm ngàn uống thuốc chứ không có nhiều. Bé Trân là con út, mới 8 tuổi nhưng lại đảm đương công việc nhà và chăm sóc mẹ mỗi khi cha đi làm như rửa chén, đút cơm cho mẹ ăn, lấy nước cho mẹ uống, canh chừng mẹ mệt,…

Chị Nguyệt kể: “Nó sợ tui chết lắm. Suốt ngày cứ quanh quẩn bên mẹ, hễ thấy tui nằm là hỏi “mẹ có sao không”. Tối ngủ chỉ cần tui khều nhẹ là nó bật dậy hỏi mẹ mệt hả rồi lấy nước cho tui uống, xoa bóp chân tay. Mỗi lần tui mệt, nó cứ mếu máo “mẹ đừng chết, mẹ chết con khổ lắm”. Thú thật, nhiều lúc đau quá không chịu nổi tui chỉ muốn chết cho xong nhưng thấy con còn nhỏ mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mẹ chết nên không đành”.

Sự sẻ chia, hỗ trợ của những tấm lòng nhân ái gần xa không chỉ giúp chị Nguyệt trị bệnh để kéo dài sự sống, mà còn tiếp bước cho bé Trân được đến trường. Mọi sự quan tâm giúp đỡ của bạn đọc xin gửi về địa chỉ gia đình bé Trân hoặc liên hệ Phòng Bạn đọc- Xã hội Báo Vĩnh Long- số 204/3 đường Phạm Hùng, Phường 9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Điện thoại số: (070) 3833853.

Bài, ảnh: PHƯỢNG NGÂN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh