Thừa phát lại được thu chi phí khi thực hiện công việc, chi phí được ghi nhận trong hợp đồng giữa Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu
c) Chi phí thực hiện Thừa phát lại
Thừa phát lại được thu chi phí khi thực hiện công việc, chi phí được ghi nhận trong hợp đồng giữa Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu.
- Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.
Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin nếu có (ví dụ: cung cấp thông tin về bất động sản; thông tin về việc ngăn chặn, giải tỏa tài sản; cung cấp thông tin về giao dịch tài sản...); tiền bồi dưỡng người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác nếu có.
- Chi phí tống đạt do tòa án, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại như sau:
+ Trong phạm vi quận, huyện nơi đặt trụ sở tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không quá 50.000 đồng/việc (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng);
+ Ngoài phạm vi quận, huyện nơi đặt trụ sở tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không quá 100.000 đồng/việc (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).
- Đối với việc trực tiếp tổ chức thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại được thu chi phí theo mức phí thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phí thi hành án dân sự.
Những vụ việc phức tạp, Văn phòng Thừa phát lại và bên yêu cầu thi hành án có thể thỏa thuận về mức chi phí thực hiện công việc.
Trường hợp người được thi hành án thuộc diện được miễn, giảm phí thi hành án hoặc người phải thi hành án được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án thì việc miễn giảm được thực hiện theo quy định của pháp luật.
d) Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại
Đương sự và những người liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thừa phát lại, trưởng văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc của Thừa phát lại. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện như sau:
- Đối với khiếu nại về thi hành án dân sự, trưởng văn phòng Thừa phát lại giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại về hành vi, quyết định của Thừa phát lại thuộc văn phòng mình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của trưởng văn phòng Thừa phát lại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại về hành vi, quyết định của trưởng văn phòng Thừa phát lại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự- Bộ Tư pháp. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án đã có hiệu lực thi hành.
Các quy định khác về giải quyết khiếu nại về thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
- Việc giải quyết khiếu nại trong việc tống đạt văn bản của tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính.
- Đối với các khiếu nại khác liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại ra quyết định giải quyết lần đầu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết khiếu nại trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.
- Các tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng liên quan đến việc thực hiện công việc của Thừa phát lại do cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và quy định pháp luật liên quan.
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin