Hội chợ trò chơi thường được tổ chức vào cuối năm và những ngày đầu xuân với nhiều gian hàng trò chơi hấp dẫn như: xổ lô tô, chơi bọ, lăn banh, thảy vòng, bắn súng nhựa,… Đây là một nét văn hóa có từ lâu đời, để người dân có dịp vui chơi, giải trí sau một năm lao động cật lực.
Hội chợ trò chơi thường được tổ chức vào cuối năm và những ngày đầu xuân với nhiều gian hàng trò chơi hấp dẫn như: xổ lô tô, chơi bọ, lăn banh, thảy vòng, bắn súng nhựa,… Đây là một nét văn hóa có từ lâu đời, để người dân có dịp vui chơi, giải trí sau một năm lao động cật lực.
Tuy nhiên, hội chợ trò chơi bây giờ ngày càng “biến tướng” đi rất nhiều. Nó không còn là một nơi để người ta giải trí, mà mang tính chất cờ bạc với những trò lừa bịp nhằm “móc túi” khách chơi xuân.
Không như trước đây, hội chợ bây giờ trúng thưởng quá lớn và đòi hỏi khách chơi xuân bỏ ra tiền mua vé khá cao để chơi. Đó là mấu chốt của vấn đề. Ẩn sau những giải thưởng “hoành tráng” là nhiều trò lừa đảo được “hợp thức hóa”, khiến người chơi thua thì nhiều mà trúng thưởng thì ít. Đơn cử là trò xổ lô tô.
Thường vào khoảng tối 29- 30 tết, gian hàng lô tô sẽ khai trương xổ số cho đến hết ngày mùng 5 tết. Nếu trúng lô tô, người chơi sẽ nhận được một chiếc xe gắn máy chất lượng cao (theo như lời quảng cáo).
Lô tô ở hội chợ bây giờ không còn xổ 5 con “kinh” như lúc trước mà thay vào đó là kêu 4 con thì “kinh”. Với hình thức mới này, người chơi sẽ có cơ hội trúng nhiều hơn, mau hơn, thay vì phải ngồi chờ đợi lâu như trước. Nhưng liệu có trúng dễ dàng không?
Nhiều ngày ra hội chợ uống nước, tôi định chơi cho vui nhưng người chú của anh bạn có thuê gian hàng bánh kẹo ở hội chợ ngăn cản, bảo cứ ngồi uống nước và xem họ giở trò lừa bịp. Đúng 7 giờ, lô tô bắt đầu mở màn với những trò uốn éo của mấy “cô” MC trên sân khấu. Nhưng lạ thay, mới kêu chỉ 6 con đã có người kinh.
Tưởng là hên ngẫu nhiên nhưng vài bàn sau, chuyện đó cũng xảy ra tương tự như vậy. Thấy lạ, tôi vội đến gần sân khấu tìm hiểu thì được biết, người trúng thưởng là mấy tay “chim mồi” trong đoàn hội chợ. Mấy gã này thay phiên nhau dạo quanh các gian hàng và “chim mồi” để cho khách thấy trúng thưởng và chơi nhiều hơn.
Mặc dù trên sân khấu, MC đã nhờ một người chơi lên kiểm tra số trúng thưởng để mang tính công bằng. Nhưng công bằng sao được khi người được chọn lên kiểm tra vẫn là “chim mồi”? Lướt qua những gian hàng khác, để ý cũng thấy trò mở hộp vàng trúng thưởng do mấy gã “chim mồi” lúc nãy chơi.
Bọn họ nhanh tay mở hộp vàng ra và reo to lên là trúng bàn ủi điện, bếp gas… để cho mọi người xúm lại chơi đông hơn. Hiếu kỳ, tham trúng lớn, ai cũng lao mình vào và bị “móc túi” ngọt xớt. Đặc biệt ở trò chơi 12 ngọn đèn, trò lừa bịp càng trắng trợn hơn. Nếu tinh mắt nhìn kỹ sẽ thấy có một nút điều khiển nhỏ giấu trong tay gã quay số để gã có thể cho bóng đèn dừng lại ở bất kỳ số nào.
Giả dụ khách chơi đặt số 8 quá nhiều mà lúc đó bóng đèn dừng hẳn ngay số 8, tất nhiên gã sẽ bấm nút điều khiển cho chạy qua số 9. Điều đáng nói hơn nữa là những phần quà trúng thưởng như mì tôm, sữa hộp, nước ngọt, bột ngọt… thường là hàng nhái, hết hạn hoặc sắp hết hạn sử dụng.
Hình ảnh này cứ diễn ra nhan nhản ở làng quê vào ngày lễ lớn, dịp Tết Nguyên đán hoặc đôi khi chỉ là những ngày cuối tuần. Thiết nghĩ, các ban ngành văn hóa sở tại khi cấp phép cho hội chợ hoạt động phải lưu ý vấn đề này, cũng là bảo vệ quyền lợi người dân và giữ nét đẹp văn hóa có từ lâu đời.
NGUYỄN THANH VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin