Tìm hiểu chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện thí điểm Thừa phát lại và mô hình tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại tại Việt Nam hiện nay (tt)

01:01, 21/01/2014

Theo các văn bản pháp luật hiện hành thì Thừa phát lại là người có tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật.

>> Kỳ 1 Tìm hiểu về chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện thí điểm Thừa phát lại và mô hình tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại tại Việt Nam hiện nay

Theo các văn bản pháp luật hiện hành thì Thừa phát lại là người có tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật.

 Như vậy, mặc dù vẫn sử dụng tên gọi cũ là Thừa phát lại nhưng quan điểm về Thừa phát lại, nội dung của chế định Thừa phát lại đã không còn giống như trước đây. Có thể nói, tên gọi cũ nhưng mang nội hàm mới, cách làm mới.

2. Vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện Thừa phát lại

Chủ trương trên của Đảng và Nhà nước xuất phát từ nhu cầu của xã hội, những đòi hỏi khách quan của thực tiễn công tác tư pháp, đặc biệt là đối với các cơ quan thi hành án dân sự và tòa án nhân dân.

Hiện nay chỉ tính riêng tại Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện hàng năm thụ lý trên 40.000 vụ việc, theo đó tòa án phải tống đạt trên 800.000 văn bản, giấy tờ.

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án tại
 TP Hồ Chí Minh thụ lý khoảng 100.000 việc thi hành án dân sự; phải tống đạt giấy tờ, xác minh khoảng 50.000 việc và ước khoảng 600.000 văn bản giấy tờ phải tống đạt. Số vụ việc trên liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước và chưa có điểm dừng.

Lượng việc tăng, kéo theo biên chế tăng, ngân sách nhà nước cấp cho lĩnh vực này cũng liên tục tăng theo. Qua các số liệu trên cho thấy, tuy ngân sách tăng, biên chế tăng nhưng mức tăng cũng không theo kịp quy mô công việc thi hành án dân sự. Hệ quả là lượng án tồn động ngày càng nhiều.

Một trong các giải pháp để khắc phục tình trạng trên là từng bước xã hội hóa, trong đó việc thành lập Thừa phát lại sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thi hành án dân sự, giảm tải hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước, bảo đảm cho người dân được phục vụ tốt hơn.

Nền kinh tế thị trường với các quan hệ dân sự, kinh tế phát triển kéo theo sự gia tăng các tranh chấp và vi phạm pháp luật cũng tạo ra một sức ép mới cho các cơ quan tư pháp trong việc xử lý các vi phạm, tranh chấp đó vì gánh nặng điều tra, thu thập chứng cứ, xác minh hiện trạng, lấy lời khai, tiến hành dàn xếp hòa giải... đến việc cung cấp, tống đạt các văn bản tố tụng dân sự và thi hành án đều do cơ quan nhà nước thực hiện. Bộ máy chưa đủ về nhân sự với trình độ, phương tiện làm việc còn thiếu thốn. Vì vậy, tình trạng án tồn đọng chưa xử, bản án tồn đọng do chưa được thi hành đang là một bức xúc.

Có thể nói, việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại là giải pháp có tính đột phá trong cải cách tư pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số nội dung hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng.

a) Đối với người dân, xã hội

Thừa phát lại giúp người dân xác lập chứng cứ để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Như trên đã nêu, pháp luật về tố tụng đã quy định các bên đương sự có quyền, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh khi khởi kiện tại tòa án.

Tuy nhiên, ngoài Thừa phát lại với chức năng lập vi bằng, tạo lập chứng cứ thì hiện tại không có cơ chế hữu hiệu nào giúp người dân thực hiện quyền này. Thực tiễn thực hiện Thừa phát lại trong thời gian qua cho thấy, dịch vụ lập vi bằng của Thừa phát lại đã được đón nhận tích cực, không chỉ là cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích trước tòa án mà còn là cơ sở, niềm tin trong thực hiện các giao dịch dân sự khác.

Hoạt động của Thừa phát lại đã tạo cơ chế để người dân có sự lựa chọn trong thi hành án. Trước khi có Thừa phát lại, việc thi hành bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện. Cùng với sự quá tải trong công việc và sự “độc quyền” là một nguyên nhân làm cho hoạt động thi hành án dân sự kém hiệu quả. Việc ra đời Thừa phát lại góp phần xóa bỏ tình trạng trên, theo đó người dân có thể lựa chọn phương thức thi hành án phù hợp.

Việc thực hiện Thừa phát lại sẽ tạo nên một nghề cho xã hội, theo đó tạo công ăn việc làm và đóng thuế cho Nhà nước, giảm tải cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh trong xã hội.

b) Đối với các cơ quan tư pháp và liên quan

Việc thực hiện Thừa phát lại sẽ góp phần bổ trợ cho công tác tư pháp, làm giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Cụ thể:

- Đối với hoạt động tòa án, việc lập vi bằng của Thừa phát lại sẽ giúp tòa án có thêm chứng cứ để xét xử nhanh hơn, đúng pháp luật hơn. Bên cạnh đó, việc tống đạt văn bản của Thừa phát lại sẽ góp phần bảo đảm việc tống đạt đúng pháp luật, đồng thời giúp tòa án tập trung vào công tác xét xử.

- Đối với hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, thông qua việc tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại sẽ góp phần hỗ trợ, giảm tải hoạt động của cơ quan thi hành án. Đồng thời, thông qua việc trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại sẽ tạo ra cơ chế để người dân lựa chọn loại hình để thi hành án, từ đó cũng góp phần đảm bảo hoạt động thi hành án hiệu quả hơn.

III. Mô hình tổ chức và hoạt động Thừa phát lại thực hiện thí điểm hiện hành

Theo quy định hiện hành, trong thời gian thí điểm, Thừa phát lại có mô hình tổ chức, hoạt động như sau:

1. Về công việc

a) Công việc Thừa phát lại được làm, không được làm

(i) Công việc Thừa phát lại được làm

Theo pháp luật hiện hành, Thừa phát lại được thực hiện các công việc:

- Tống đạt văn bản của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự. Khi thực hiện tống đạt, Thừa phát lại phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về tố tụng và thi hành án dân sự.

- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vi bằng do Thừa phát lại lập phải ghi nhận trung thực, khách quan hành vi, sự kiện được lập và có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng phải được đăng ký tại Sở Tư pháp.

- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Khi xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin tương tự thẩm quyền của chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự khi xác minh điều kiện thi hành án.

- Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Khi thực hiện các công việc nêu trên, Thừa phát lại phải trung thực, khách quan; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình.

Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như chấp hành viên quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự, trừ khoản 9, khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Riêng việc cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng bảo vệ, áp dụng quy định tại Điều 40 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ.

(ii) Những việc Thừa phát lại không được làm

- Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép.

- Thừa phát lại không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã đuợc ghi nhận trong hợp đồng.

- Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình.

- Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

(iii) Bảo đảm hiệu lực hoạt động của Thừa phát lại

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu có.

b) Thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại.

(i) Tống đạt văn bản

Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và tòa án tại địa phương thực hiện thí điểm. Việc giao nhận văn bản tống đạt và thủ tục tống đạt phải tuân theo các quy định về thi hành án dân sự và pháp luật về tố tụng.

(ii) Lập vi bằng

Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp các việc mà Thừa phát lại không được làm, các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, xâm phạm đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.

Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt văn phòng Thừa phát lại. Vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Việc lập vi bằng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa người yêu cầu và với Trưởng văn phòng Thừa phát lại.

Thủ tục lập vi bằng, hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng được thực hiện theo quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 03/2009/TT- BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp và Thông tư liên tịch số 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 7/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về hướng dẫn thủ tục thực hiện một số công việc của Thừa phát lại.

(iii) Xác minh điều kiện thi hành án

Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương nơi thực hiện thí điểm, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn thí điểm trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản hay có điều kiện thi hành tại các địa phương đó.

Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án thỏa thuận với Trưởng văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án.

Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án.

(iv)Trực tiếp tổ chức thi hành án

Theo quy định hiện hành, Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định: Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; bản án, quyết định phúc thẩm của tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng.

Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc nói trên ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại.

Khi trực tiếp tổ chức thi hành án, Thừa phát lại thực hiện các thủ tục về thi hành án theo quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ và theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Thừa phát lại có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, văn phòng Thừa phát lại phải lập kế hoạch cưỡng chế; có văn bản báo cáo ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở nhất trí của ban chỉ đạo thi hành án, văn phòng Thừa phát lại báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố nơi đặt văn phòng xem xét, ra quyết định cưỡng chế thi hành án và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh