Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (tt)

01:12, 06/12/2013

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 242 điều, tăng 44 điều so với Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2002.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 242 điều, tăng 44 điều so với Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2002. 

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra những quy định cụ thể hơn và bảo vệ lợi ích cho người lao động nhiều hơn. 


Bộ luật Lao động là văn bản luật có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những chế định điều chỉnh các quan hệ lao động và các quan hệ liên quan nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho mình, từ số báo này Báo Vĩnh Long xin giới thiệu tới bạn đọc phần tiếp theo những nội dung mà người lao động và doanh nghiệp cần biết trong Bộ luật mới.


>>
Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P1) 
>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P2) 
>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P3) 
>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P4)
>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P5)
>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P6)

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P7)

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P8)

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P9)

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P10)

Xin cho biết thỏa ước lao động tập thể là gì? Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 73 và 74 Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định.

Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Về ký kết thỏa ước lao động tập thể:

Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động.

Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và: Có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể ngành; đối với hình thức thỏa ước lao động tập thể khác theo quy định của Chính phủ; khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) bổ sung một số quy định về thỏa ước lao động tập thể nhằm bảo đảm cho các thỏa ước lao động tập thể phát huy được tác dụng cao phù hợp với các phương thức hoạt động trong các loại hình doanh nghiệp đa dạng và phong phú trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay.

Khi ký kết thỏa ước lao động tập thể thì người sử dụng lao động phải thực hiện như thế nào? Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể? Thỏa ước lao động tập thể có được sửa đổi, bổ sung không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 75, 76 và 77 Bộ luật Lao động (sửa đổi): Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải gửi một bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đối với thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể khác.

Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể được ghi trong thỏa ước. Trường hợp thỏa ước lao động tập thể không ghi ngày có hiệu lực thì có hiệu lực kể từ ngày các bên ký kết.

Về sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể:

Các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể trong thời hạn sau đây: Sau 3 tháng thực hiện đối với thỏa ước lao động tập thể có thời hạn dưới 1 năm; sau 6 tháng đối với thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm.

Trong trường hợp quy định của pháp luật thay đổi mà dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật, thì hai bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể trong vòng 15 ngày, kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực.

Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể thì quyền lợi của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể được tiến hành như việc ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Thế nào là thỏa ước lao động tập thể vô hiệu? Thẩm quyền tuyên bố và xử lý thỏa ước lao động tập thể vô hiệu?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 78, 79 và 80 Bộ luật Lao động (sửa đổi): Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thỏa ước trái pháp luật; thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có toàn bộ nội dung trái pháp luật; người ký kết không đúng thẩm quyền; việc ký kết không đúng quy trình thương lượng tập thể.

Tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

Khi thỏa ước lao động tập thể bị tuyên bố vô hiệu thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên ghi trong thỏa ước tương ứng với toàn bộ hoặc phần bị tuyên bố vô hiệu được giải quyết theo quy định của pháp luật và các thỏa thuận hợp pháp trong HĐLĐ.

Về thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, Bộ luật Lao động hiện hành quy định: cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn bộ.

Tại Bộ luật Lao động (sửa đổi), thì thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu là Tòa án nhân dân.

Khi nào thì thỏa ước lao động tập thể hết hạn? Chi phí thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 81 và 82 Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì trong thời hạn 3 tháng trước ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới.

Khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng, thì thỏa ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời gian không quá 60 ngày.

Đối với những thỏa ước lao động tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới thì thời hạn của thỏa ước được kéo dài thêm trong Bộ luật Lao động hiện hành là 3 tháng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định trong trường hợp này thì thỏa ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời gian không quá 60 ngày.

Về chi phí thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể:

Mọi chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể do người sử dụng lao động chi trả.

MAI TUYẾT (thực hiện) (Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh