Qua tổng điều tra thu thập thông tin về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) vào tháng 9/2013 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện trên toàn tỉnh có 1.119 trường hợp BLGĐ. Đây quả là một con số “biết nói”, không tránh khỏi “đau lòng” và cần được “lưu tâm”. Đại đa số các nạn nhân bị BLGĐ là phụ nữ. Tại sao lại như vậy?
Qua tổng điều tra thu thập thông tin về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) vào tháng 9/2013 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện trên toàn tỉnh có 1.119 trường hợp BLGĐ. Đây quả là một con số “biết nói”, không tránh khỏi “đau lòng” và cần được “lưu tâm”. Đại đa số các nạn nhân bị BLGĐ là phụ nữ. Tại sao lại như vậy?
Đây là vấn đề mà ngay chính bản thân các chị em phụ nữ của chúng ta cũng nên cần tự đặt câu hỏi cho mình, tự trả lời, cũng như tự tìm cho mình một giải pháp thích đáng để tránh khỏi là nạn nhân của BLGĐ. Bởi một lẽ, BLGĐ là những tiềm ẩn khó lường, không dự đoán được và cũng không lường được mức độ tai hại.
Qua những chuyến công tác tại nhiều địa phương, có nhiều cán bộ phụ nữ là bí thư, trưởng ấp đã tâm sự cùng tôi về những trường hợp bạo hành trong gia đình rất thương tâm, mà chưa dùng biện pháp nào để xử lý được, vì hầu hết nạn nhân bị BLGĐ là chị em phụ nữ không lên tiếng.
Rất nhiều trường hợp bị chồng hành hạ về thể xác lẫn tinh thần; có những trường hợp người chồng buộc vợ mình phải phục dịch việc ăn uống như là ông chủ và người ở; cũng có không ít những trường hợp người vợ bị bạo lực về tình dục mà không biết than thở chia sẻ cùng ai…
Qua tuyên truyền về Luật Phòng chống BLGĐ, mà cụ thể là các hành vi vi phạm. Nhiều chị em nhận thấy được đó là những hành vi BLGĐ, nhưng không mạnh dạn đứng ra lên tiếng, chỉ với một điều duy nhất cản trở là: Nếu người vợ lên tiếng thì đồng nghĩa với việc phê phán chồng mình, là “vạch áo cho người xem lưng”, là làm giảm uy tín danh dự chồng mình… mà hầu như sự cản trở này đã ăn sâu vào tiềm thức của đại đa số chị em phụ nữ.
Điều này, dẫn đến có những vụ việc BLGĐ khi có sự can thiệp của chính quyền cơ sở xử lý, thì đem lại hậu quả nghiêm trọng như ly hôn, gia đình tan rã, con cái phân tán, dở dang việc học hành…
Điều này còn chứng tỏ, những hành vi bạo lực mà từ phía những phụ nữ cam chịu manh nha những tai hại khó lường mà chúng ta không biết trước được. Vậy nguyên nhân của những trường hợp BLGĐ này mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ do đâu? Phải chăng trong đó có một phần từ sự cam chịu, nhẫn nhịn của người phụ nữ?
Đức tính này là vốn quý của phụ nữ xưa nay, nhưng còn phải tùy vào sự việc. Cam chịu, nhẫn nhịn mà có lợi thì rất nên, nhưng cam chịu nhẫn nhịn mà nguy hại, tổn thất thì không nên.
Riêng đối với BLGĐ, cả thế giới đã lên tiếng (Liên Hợp Quốc chọn ngày 25/11 là ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ), Quốc hội cũng đã ban hành Luật Phòng chống BLGĐ, Chính phủ ban hành nghị định để chế tài (Nghị định 110 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ) thì tại sao chị em phụ nữ chúng ta lại không mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ ngay chính bản thân mình, bảo vệ chính mái ấm của gia đình mà mình đã dày công vun đắp?
Một điều đáng lưu tâm là nhiều người có quan niệm rằng: việc chồng đánh vợ hay vợ đánh chồng; hoặc cha mẹ đánh con cái hay con cái ngược đãi cha mẹ là chuyện riêng của mỗi gia đình. Thái độ dửng dưng này tạo nên suy nghĩ những gia đình có xảy ra bạo lực rồi đâu cũng vào đó.
Nhưng nếu như vấn đề bạo lực cứ lặp đi lặp lại, sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống gia đình, trước mắt là gia đình không ấm êm, không hạnh phúc, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các thành viên trong gia đình, ảnh hưởng đến việc học tập của con, cháu… và lâu dài có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, về tinh thần, về thể chất của cá nhân, gia đình và xã hội.
Xét ở khía cạnh nào đi chăng nữa, chị em phụ nữ chúng ta là “người giữ lửa” trong gia đình, cũng nên lưu tâm đến vấn đề này, để đừng rơi vào tình cảnh ngoảnh mặt với chính mình và lạnh lùng với mọi người.
Nhân ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, bản thân cũng là phụ nữ, xin mạnh dạn chia sẻ những nỗi niềm về vấn đế này, cũng vừa là động viên mình và động viên chị em phụ nữ chúng ta hãy tự tin, can đảm, mạnh dạn đấu tranh với BLGĐ.
Và, điều quan trọng là chúng ta cũng phải suy xét lại mình qua thành ngữ mà người xưa đã dạy “nhìn người, soi mình” để tránh không phải là nạn nhân của BLGĐ hay người gây ra bạo lực trong gia đình.
THIÊN VY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin