Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 242 điều, tăng 44 điều so với Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2002.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 242 điều, tăng 44 điều so với Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2002.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra những quy định cụ thể hơn và bảo vệ lợi ích cho người lao động nhiều hơn.
Bộ luật Lao động là văn bản luật có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những chế định điều chỉnh các quan hệ lao động và các quan hệ liên quan nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho mình, từ số báo này Báo Vĩnh Long xin giới thiệu tới bạn đọc phần tiếp theo những nội dung mà người lao động và doanh nghiệp cần biết trong Bộ luật mới.
>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P1)
>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P2)
Việc thực hiện công việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì công việc theo HĐLĐ phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo HĐLĐ hoặc theo thỏa thuận khác giữa 2 bên.
Theo quy định thì người sử dụng lao động có thể chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động thì:
1/Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ , nhưng không vượt quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
2/Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
3/ Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Khi người lao động đã giao kết HĐLĐ thì có được tạm hoãn thực hiện hợp đồng đó không?
Trả lời:
Điều 32 Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ là:
Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự; người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của bộ luật này.
Về các trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, ngoài các trường hợp tạm hoãn HĐLĐ như: người lao động đi thực hiện nghĩa vụ quân sự; người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật và các trường hợp khác được hai bên thỏa thuận, thì Bộ luật Lao động sửa đổi bổ sung thêm 2 trường hợp:
- Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Lao động nữ trong thời gian mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận nếu tiếp tục làm việc thì sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định về người lao động làm việc không trọn thời gian như thế nào?
Trả lời:
Điều 34 Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết HĐLĐ.
Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; các quyền lợi và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Trên đây là quy định được bổ sung và việc bổ sung quy định mới về hình thức làm việc không trọn thời gian để đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, cũng như đảm bảo các chế độ lao động đối với người lao động khi thỏa thuận với người sử dụng lao động lựa chọn hình thức làm việc này theo nguyên tắc: người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động trong khi làm việc.
Có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi không được trả lương đầy đủ?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động, người lao động làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn trong trường hợp không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Về thủ tục đơn phương chấm dứt HĐLĐ, khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động quy định khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động thì người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc.
Về quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, Điều 48 Bộ luật Lao động quy định khi người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo đúng quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi người lao động nghỉ việc.
MAI TUYẾT (thực hiện) (Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin