Chuyện dưới bóng cây trứng cá

07:11, 15/11/2013

Nhiều người lao động ở khóm tôi có cuộc sống lệ thuộc vào các việc làm về đêm ở các chợ của thành phố, chủ yếu làm nghề bốc vác, nên sinh hoạt hàng ngày của họ có khác hơn những người khác trong khóm: trong lúc mọi người cần nghỉ ngơi thì họ làm việc và ngược lại.

Nhiều người lao động ở khóm tôi có cuộc sống lệ thuộc vào các việc làm về đêm ở các chợ của thành phố, chủ yếu làm nghề bốc vác, nên sinh hoạt hàng ngày của họ có khác hơn những người khác trong khóm: trong lúc mọi người cần nghỉ ngơi thì họ làm việc và ngược lại.

Buổi sáng sớm, khi mọi người chuẩn bị cho một ngày làm việc mới thì họ vừa kết thúc một đêm làm việc nặng nhọc của mình, ăn qua loa để lấy lại sức rồi đi ngủ.

Đến trưa, khi mọi người ăn cơm trưa xong chuẩn bị nghỉ ngơi thì họ thức dậy, ăn uống xong họ tụ tập dưới bóng mát của một cây trứng cá tại bãi đất trống bên đường đối diện với một quán nước để trò chuyện và giải trí.

Điều đáng nói là phần đông trong số họ vốn có thói quen “ăn to nói lớn”, nên cứ vài hôm lại gây ra chuyện ồn ào tại đây. Chưa hết, chuyện giải trí thường xuyên của họ là gầy sòng bài sát phạt nhau.

Tiền ăn thua tuy không lớn nhưng thỉnh thoảng lại xảy ra cự cãi rượt đánh nhau, mà họ đánh nhau thì trông đáng sợ lắm, làm mất trật tự cả xóm, đó là chưa kể những việc làm đó của họ làm gương xấu cho lớp trẻ mới lớn.

Các cảnh không đẹp dưới tàng cây trứng cá đó của nhóm người này rồi chính quyền khóm và công an khu vực cũng biết, bởi không chỉ một lần họ phải giải quyết các xung đột của họ.

Ý kiến chung của một số người có trách nhiệm tại khóm là làm thế nào sớm giải tán, chí ít cũng làm cái tụ điểm không lành mạnh đó bớt lộn xộn và giao cho công an khu vực tìm cách giải quyết.

Thế là một hôm người chủ thửa đất có cây trứng cá nhận được đề nghị của anh công an khu vực là phải đốn cây trứng cá ấy đi.

Có lẽ người chủ đất cũng biết mục đích của việc đốn cây trứng cá là bứng đi cái bóng mát dưới tàng cây để không còn chỗ cho nhóm thanh niên kia tụ tập nữa, nhưng vì biết mà chưa “thông” nên việc này đến tai nhiều người.

Có người đồng tình nhưng cũng có người không vì nhiều lý do, số người đồng tình không ít nhưng do ngại đụng chạm với số người trên nên kín tiếng, trong khi số người không đồng tình thì lớn tiếng bày tỏ: “Bóng mát ấy có lỗi gì”, thậm chí có người còn xúi ông chủ đất “đừng đốn coi nó làm gì”.

“Nó” là anh công an khu vực và dĩ nhiên là do cây không nằm trong lộ giới, chủ đất không đốn nên cây vẫn còn đó như thách thức với những lời xì xào không tốt về một cách quản lý xã hội của anh ấy.

Theo người viết, trong trường hợp này, suy cho cùng người không đồng tình đốn cây trứng cá nói “bóng mát ấy có lỗi gì” có lý của họ dù lời nói này không đủ thiện ý, cho thấy việc muốn đốn cây để giải quyết cái tụ điểm không lành mạnh đó là một suy nghĩ đơn giản của người được giao chức trách và mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề theo một kiểu làm việc quan liêu: cái gì quản không được là cấm!

Kết quả là người có “đề nghị” ấy vừa không giải quyết được việc vừa tự làm mất uy tín của mình. Các bài học về công tác dân vận của các đoàn thể địa phương đã phát huy tác dụng trong trường hợp này sau đó, khi mà ban lãnh đạo khóm rút kinh nghiệm.

Cây trứng cá bây giờ vẫn xanh lá tỏa bóng mát, các anh em ở đó thay vì bài bạc đã có một cách giải trí khác là đánh cờ tướng, việc cười đùa cũng bớt đi sự ồn ào.

Trung Tín

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh