“Tiên học lễ, hậu học văn”

07:10, 17/10/2013

“Tiên học lễ, hậu học văn”- câu nói này rất có ý nghĩa, đã được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Chắc ai ai cũng đều trông thấy câu này được kẻ rất to ở trường, lớp các trường học, nhằm nhắc nhở học sinh trước hết phải biết lễ độ trau dồi đạo đức làm người.

“Tiên học lễ, hậu học văn”- câu nói này rất có ý nghĩa, đã được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Chắc ai ai cũng đều trông thấy câu này được kẻ rất to ở trường, lớp các trường học, nhằm nhắc nhở học sinh trước hết phải biết lễ độ trau dồi đạo đức làm người.

Cụ thể như: trong trường lớp phải biết kính trọng thầy cô, về nhà hiếu thảo nghe lời cha mẹ, kính trọng ông bà, ra đường biết lễ phép đối với mọi người, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, có được như thế mới là người có đạo đức, sau đó là học chữ để hiểu thêm về kiến thức, nâng cao trình độ phát triển tài năng giúp ích cho cộng đồng và xã hội. Nếu có song song hai chữ “đức- tài” vẹn toàn như vậy thì mới đúng đạo làm người!

Ông bà ta ngày xưa rất trọng chữ lễ, coi chữ lễ ở hàng đầu. Có lễ phép mới có đạo đức, vì đạo đức là chân lý làm người của dân tộc Việt Nam ta từ ngàn xưa lưu lại.

Xã hội ngày nay mọi mặt đều phát triển. Khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, thiên văn địa lý, ngồi dưới đất biết được chuyện trên trời,... Làm được những việc như vậy xuất phát từ đâu?

Có phải chăng là từ ngành giáo dục- nơi đào tạo con người có được những chiếc chìa khóa mở cửa các kho tàng châu báu cho đất nước, và cũng là nơi rèn luyện phẩm chất đạo đức của con người.

Nhưng, cũng có điều đáng buồn là học sinh ngày nay đến trường chỉ để học chữ, không thấy học đạo đức làm người, dù nhà trường có thường xuyên nhắc nhở học sinh nhìn hàng chữ “tiên học lễ”.

Hàng ngày, ngoài đường vẫn thấy một số học sinh phát ngôn những lời lẽ mà xã hội không khuyến khích, đôi khi còn tụ tập đánh nhau gây mất trật tự, một số việc khác… khi vào trường lớp không kính trọng thầy cô giáo, dù đây là những người đã dày công dạy dỗ mình.

Một số cụ cao tuổi kể lại, ngày xưa học sinh rất kính trọng thầy giáo, nghe lời thầy còn hơn cha mẹ, ra đường rất biết lễ phép. Lúc tan học ra về, thầy giáo nhắc nhở, “các trò ra đường phải đi ngay hàng thẳng lối, không đùa giỡn, la ó ngoài đường, gặp các cụ già phải giở nón cúi đầu, khi qua cầu phải nhường cho người lớn tuổi qua trước, thầy thấy trò nào vô lễ ngày mai thầy phạt quỳ gối”.

Biết thầy không có đi theo nhưng tất cả học sinh đều như một, ghi nhớ và làm theo lời thầy. Ngày nay, học sinh ra đường ít thấy được như xưa.

Trong khi xã hội ngày càng tiến hóa, chẳng lẽ đạo đức của học sinh lại càng xuống cấp? Không thể đổ lỗi này cho ai nhưng cũng là một chuyện đáng buồn cho xã hội. Ngành giáo dục, các bậc phụ huynh học sinh, các tổ chức xã hội, cần có sự phối hợp chặt chẽ và nhìn lại câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, trước học làm người, sau học chữ.

Đừng quá trọng chữ “văn” mà quên chữ “lễ”, vì hai thứ này cần phải song toàn mới đáp ứng được nhu cầu phát triển và đổi mới của đất nước hiện nay.

TRƯƠNG CẨM MỪNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh