Nghe nói ở các nước văn minh, khi đi ra đường, nếu va chạm vào nhau, dù chưa biết ai đúng, ai sai họ đều có thái độ lịch sự nói hai tiếng “xin lỗi” trước rồi mới phân xử. Hơn thế, sự va chạm dù nặng nề đến đâu cũng ít có sự xô xát, nặng lời. Mọi việc đều do sự xử lý của người có trách nhiệm.
Nghe nói ở các nước văn minh, khi đi ra đường, nếu va chạm vào nhau, dù chưa biết ai đúng, ai sai họ đều có thái độ lịch sự nói hai tiếng “xin lỗi” trước rồi mới phân xử. Hơn thế, sự va chạm dù nặng nề đến đâu cũng ít có sự xô xát, nặng lời. Mọi việc đều do sự xử lý của người có trách nhiệm.
Thấy người bị nạn, họ không dửng dưng bỏ đi, cũng không đứng lại nhìn bằng con mắt tò mò. Ai thấy nạn nhân đầu tiên, phải báo ngay cho cảnh sát, đồng thời lo cấp cứu theo hết khả năng có được của mình.
Đó là lối hành xử của nếp sống văn minh và cũng là những nội dung trong luật của họ. Chuyện của xứ người là vậy. Nhìn lại xứ mình, lối hành xử có nhiều điều đáng nói.
Mỗi khi gặp phải những đoạn đường tấp nập xe cộ, phần đông ai cũng muốn chen lấn tới trước. Thậm chí cố tình vượt qua cả đèn đỏ, tranh thủ chạy ngược vào đường cấm. Lỡ có va quẹt dù nhỏ nhặt cũng nổi cơn thịnh nộ, dừng xe lại ngay giữa đường cãi vã, sừng sộ.
Có thể xô xát, không cần biết phải trái ra sao dù người va quẹt với mình đáng tuổi cha, tuổi chú. Khi gặp giao thông ùn tắc, không chú ý đến việc phải “góp phần” giải quyết (yêu cầu thực hiện đúng luật) mà chỉ lo tìm cách “thoát thân”.
Nếu có gặp tai nạn xảy ra, hiếm hoi mới thấy có sự giúp đỡ, gọi báo kịp thời. Phần lớn số người dừng lại vây quanh người bị nạn chỉ vì hiếu kỳ, tò mò nhìn, mặc tình sau lưng mình bao nhiêu xe cộ bị dồn ứ. Đó là chưa kể vào những lúc trời mưa, trên những con đường sũng nước, cứ tha hồ phóng xe bạt mạng, nước văng tung tóe vào những người chung quanh một cách vô tội vạ.
Chuyện ngoài đường, mong được hành xử lịch thiệp như xứ người. Biết mình, biết người, đối xử với nhau có tình một chút chẳng phải là đáng trân trọng lắm sao!
KIM HOA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin