Chúng ta thường nghe nhắc đến “y đức” của những người làm nghề y, cũng thường nghe nhắc nhiều đến các các thiệt hại của nhà nông trước vấn nạn hàng vật tư nông nghiệp gian dối tràn lan trên thị trường hay tình trạng “được mùa mất giá” của nông sản song chưa được nghe một cách tương xứng về “nông đức” của nhà nông trong quá trình sản xuất.
Chúng ta thường nghe nhắc đến “y đức” của những người làm nghề y, cũng thường nghe nhắc nhiều đến các các thiệt hại của nhà nông trước vấn nạn hàng vật tư nông nghiệp gian dối tràn lan trên thị trường hay tình trạng “được mùa mất giá” của nông sản song chưa được nghe một cách tương xứng về “nông đức” của nhà nông trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, báo chí đã báo động về tình trạng mất an toàn đối với người tiêu dùng trên nhiều loại rau, củ, quả sản xuất trong nước và nhập từ nước ngoài theo đường tiểu ngạch (thậm chí có lúc chỉ đích danh một số loại củ, quả cụ thể) cho nên song song với kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng hóa chất để bảo quản trong khâu lưu thông phân phối nông sản của thương nhân, cần giáo dục người nông dân quan tâm hơn vấn đề đạo đức trong quá trình sản xuất của mình theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm?
Trên thực tế, để nông dân thực hiện tốt “nông đức” là một việc rất cần thiết nhưng rõ ràng không hề đơn giản.
Bởi nhiều lẽ, trong đó ngoài sự thiếu liên kết trong các mối quan hệ xã hội (vật tư phục vụ đầu vào nông sản cao; đầu ra của nông sản khó, giá cả bấp bênh…) còn do cuộc sống của họ gắn liền với nguồn nông sản sản xuất ra gần như duy nhất đó.
Xin đơn cử việc này trong chống dòi đục trái- ấu trùng của loài ruồi vàng- đang hoành hành ở nhiều vùng cây ăn trái ở ĐBSCL qua vài câu chuyện tiêu biểu chỉ trên một loại trái: Một lần về thăm nhà vườn ở xã Vĩnh Bình (Chợ Lách- Bến Tre), chủ nhà đem một dĩa mận ra đãi khách với lời khoe là mận “sạch” 100%, bảo đảm đã không dùng bất cứ loại thuốc trừ sâu nào.
Khách hoàn toàn thất vọng vì 100% trái mận trên dĩa đều có dòi dù hình dáng bên ngoài rất bắt mắt. Chủ nhà cho kiểm tra lại cây mận, kết quả khiến mọi người càng ngạc nhiên: hầu hết các trái mận bẻ xuống đều không thể ăn được vì có tình trạng tương tự.
Một chuyện dở khóc dở cười khác là của anh Song Giang- cán bộ hưu trí ở xã Quới Thiện (Vũng Liêm). Anh có một số cây mận đang cho trái vụ thứ ba, khi mận chín anh kêu một lái trái cây đến để bán. Trước khi bẻ trái, họ hỏi chủ vườn có xịt thuốc trừ dòi không, anh hãnh diện trả lời đây là các cây mận “sạch”, chỉ xịt một lần sau khi cây đậu trái.
Nghe vậy, người lái cười cười nói: “Mận sạch thì tốt quá, ông để lại ăn đi!” và không mua. Ngạc nhiên, anh kiểm tra cây mận thì quả nhiên tỷ lệ ruột trái bị dòi đục rất cao. Chuyện khác: Một vị kỹ sư nông nghiệp công tác ở TP Vĩnh Long đi thăm bà con ở xã TCN (Châu Thành- Tiền Giang) đã thực sự kinh ngạc khi tận mắt thấy nhiều nhà vườn tại đây dùng thuốc bảo vệ thực vật thật “bạo” và liên tục để phòng dòi đục trái.
Họ còn sử dụng một hỗn hợp đặc biệt không rõ nguồn gốc để nhuộm vỏ trái mận cho có màu đỏ sậm lúc thu hoạch để dễ bán (thuốc pha sẵn bán tại các đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật ở xã)... Một chủ vườn mận tiết lộ: Chủ vườn nào xịt thuốc trừ dòi 3 ngày rồi mới bán trái đã là có… đạo đức! (3 ngày là khoảng thời gian cần để 2 lứa mận kế tiếp nhau kịp chín, dù trên bao bì thuốc có ghi rõ thời gian cách ly độc chất thường phải mất 7 ngày).
Hiện nay, không chỉ ở trái mận mà nhiều loại trái cây khác, nhất là các loại trái có vỏ mỏng như: táo, sơ ri, xoài, ổi, vú sữa, thanh long… kể cả các loại trái làm rau trên rẫy như các loại dưa, cà… nếu nhà nông sử dụng thuốc hóa học phòng trừ không liên tục hay không thực hiện bao trái (hao công và rất tốn kém) để phòng trị dòi và sâu đục trái- một đối tượng dịch hại trên cây trồng rất phổ biến- thì nhất định không có thu hoạch.
Vì vậy, khi sản xuất theo VietGAP hay GlobalGAP chưa được nông dân áp dụng phổ biến thì vấn đề an toàn thực phẩm trên các loại rau, trái chỉ còn trông chờ ở đạo đức các nhà nông trong áp dụng thời gian cách ly cần thiết trước khi bán nông phẩm, kế đến là những thương lái làm nhiệm vụ phân phối nông sản tuyệt đối không dùng chất bảo quản bị cấm.
Chống sâu rầy phá hại cây trồng là một thực tế nhà nông không thể tránh hiện nay. Chính vì vậy, họ rất mong các nhà khoa học, nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sớm đưa ra thị trường các loại thuốc sinh học chuyên trị các loại sâu bệnh có được các tính năng: dễ sử dụng, thời gian thuốc hiệu quả lâu và giá cả hợp lý.
Còn người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách tập chấp nhận giá cả nông sản sạch cao hơn một chút so với giá nông sản bình thường (do chi phí tăng thêm trong sản xuất), bởi nếu so với hao tốn vì bệnh tật nếu chẳng may mắc phải do thường xuyên sử dụng nông sản không sạch thì mức chênh lệnh giá đó vẫn ít hơn nhiều!
NGUYỄN VĂN MƯỜI HAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin