Nhân đọc bài “Nên trao kỹ năng giao tiếp cho bảo vệ các trường”

07:06, 21/06/2013

Báo Vĩnh Long số ra ngày thứ năm 13/6/2013 trên mục Diễn đàn có đăng bài “Nên trao kỹ năng giao tiếp cho bảo vệ các trường”. Thật ra bài này không có gì là sai nhưng mà còn “sót” và nếu thấy hết hoàn cảnh của bảo vệ trường học thì thật là “xót” nữa.

Báo Vĩnh Long số ra ngày thứ năm 13/6/2013 trên mục Diễn đàn có đăng bài “Nên trao kỹ năng giao tiếp cho bảo vệ các trường”. Thật ra bài này không có gì là sai nhưng mà còn “sót” và nếu thấy hết hoàn cảnh của bảo vệ trường học thì thật là “xót” nữa.

Bảo vệ cơ quan doanh nghiệp, bưu điện là bảo vệ chuyên nghiệp. Lương họ khá cao, họ làm có ca, có giờ, có giấc, có nhiệm vụ nhất định, có biên chế. Còn bảo vệ trường học là nhân viên hợp đồng lương khởi điểm là 1.050.000đ (hệ số 1,00).

Làm việc đến bạc đầu lương chỉ bằng một nhân viên mới vào của các cơ quan, doanh nghiệp khác. Nếu trừ các khoản phải đóng như hiếu hỷ, công đoàn, áo ấm, quỹ Vì người nghèo v.v... họ còn lại chỉ vài trăm ngàn một tháng.

Sáng học sinh vào, họ phải trông chừng học sinh và có những trường hợp phải làm từ 6 giờ sáng, trưa học sinh chưa về họ phải ở giữ.

Thế rồi học sinh buổi chiều nối đuôi vào học, họ lại phải giữ tiếp đến 5- 6 giờ chiều; rồi lại phải quét sân, đổ rác, dội cầu; dọn dẹp văn phòng, pha trà nấu nước; tưới cây; sửa bàn ghế, điện, nước; canh giờ đánh trống; đưa học sinh qua đường; mở cửa phòng học, đóng cửa phòng học; đi lấy công văn,...

Rác trên lan can lầu thì họ phải leo ra quét lá cây mục. Nước ở các sê nô không chảy họ phải xử lý. Cống không thông họ phải móc cống, rồi canh giờ đem rác ra cho xe rác hoặc ở những nơi không có xe đổ rác thì phải đốt rác, rồi phòng cháy.v.v...

Sở dĩ tôi viết nhiều dấu chấm như vậy để diễn tả họ còn nhiều công việc lặt vặt nữa như một người tạp vụ cho cả trường chứ đâu có rảnh rỗi, nên có những bảo vệ vấp sơ sót trong lễ nghi. Bởi vậy có những thanh niên từng phát biểu thà đi bán vé số, móc bọc còn hơn làm bảo vệ trường học. Nhân viên bảo vệ trường học ít khi làm tới tuổi hưu vì chưa đến tuổi hưu đã đuối sức.

Nói đi phải nói lại, sao không nghĩ đến công sức họ đã bỏ ra để môi trường học được xanh- sạch- đẹp; con mình rước trễ có người trông giữ mà không ai phải trả tiền? Tôi viết bài này không gì ngoài 2 chữ lương tâm. Mong mọi người hãy mở lòng mình ra vì họ đáng được thông cảm và trân trọng nhiều lắm.

Tôi biết có một số bảo vệ chuyên nghiệp từng ân cần với khách, nhưng rồi lén giở cốp xe lấy bóp, lấy tiền hoặc một bảo vệ lừa người tình bắt con của người tình xong tống tiền 300 triệu còn trơ mặt giả làm người tốt bụng đi chuộc con dùm. Rồi có bảo vệ đã từng cướp tài sản thậm chí giết chủ cũ sau khi nghỉ việc, v.v...

Còn bảo vệ trường học tuy nghèo, tuy nhếch nhác, bề ngoài không được tao nhã nhưng tôi chưa từng nghe có ai đã ăn cắp hay làm gì sai về đạo đức.

Những bảo vệ trường học thầm lặng quét từng lá cây, nhổ từng cọng cỏ, kỳ cọ từng bồn cầu cho đời thêm đẹp, thêm vui. Bổng lộc mà họ vun vén được là những chiếc ly nhựa, chai nhựa, bọc ny- lông hay những mẩu cơm thừa cá cặn để họ nuôi thêm heo, thêm gà cải thiện cuộc sống.

Việc tuyển bảo vệ của ngành giáo dục chủ yếu dựa vào đạo đức là chính, vì thế bề ngoài có khi hơi khiếm khuyết... Mong mọi người có cái nhìn thông cảm hơn đối với họ, để họ yên tâm làm nhiệm vụ thầm lặng của mình.

MỘT BẠN ĐỌC

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh