Cần quản lý chặt chẽ và thường xuyên cá tỳ bà

07:05, 29/05/2013

Theo Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ lâu các loại thủy sinh vật ngoại lai đã được đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau với mục đích làm thực phẩm và giải trí. Hiện nay, cá tỳ bà đang phát triển rất mạnh và phân bố tại hầu hết các thủy vực thuộc ĐBSCL.

Theo Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ lâu các loại thủy sinh vật ngoại lai đã được đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau với mục đích làm thực phẩm và giải trí. Hiện nay, cá tỳ bà đang phát triển rất mạnh và phân bố tại hầu hết các thủy vực thuộc ĐBSCL.

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay đã có khoảng 50 loài thủy sinh vật ngoại lai được nhập vào Việt Nam với mục đích nuôi thương phẩm và khoảng 190 loài cá cảnh được nhập để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí.

Trong số các loài cá cảnh được nhập có cá tỳ bà hay còn gọi là cá lau kính hoặc cá dọn bể (Hypostomus punctatus). Loài cá này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, chủ yếu sống ở đáy các thủy vực nước ngọt, nước lợ. Thức ăn chính là các loài rong, tảo bám trên bề mặt thực vật hoặc bùn đáy.

Theo thông tư số 22/2011/TT-BTNMT ngày 1/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại, cá tỳ bà thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại đã biết ở Việt Nam.

Loài cá này có đặc tính thích nghi mạnh nên khi phát tán ra tự nhiên, chúng sẽ lấn ất sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái, trở thành loài có nguy cơ xâm hại đối với các loài cá khác ở cùng một môi trường sống. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ và thường xuyên sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản.

Để tăng cường quản lý đối với các loài thủy sinh vật ngoại lai, nhất là cá tỳ bà, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL tăng cường kiểm tra, kiểm soát những cơ sở tham gia nuôi dưỡng các loài thủy sinh vật ngoại lai tại địa phương, đặc biệt là các cơ sở nuôi cá cảnh có nuôi cá tỳ bà.

Rà soát toàn bộ các loài thủy sinh vật ngoại lai có mặt tại địa phương, thống kê những loài đã phát tán ra ngoài tự nhiên, trong đó có cá tỳ bà.

Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền cho người dân về tác hại của các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại nói chung và cá tỳ bà nói riêng. Nghiêm cấm các hành vi phóng sinh các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại ra các thủy vực tự nhiên, đặc biệt là các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa.

THÀNH CÔNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh