Nhớ những ngôn từ thời kháng chiến

10:04, 30/04/2013

Người Việt Nam ta từng “vào sinh ra tử” đương đầu với biết bao kẻ ngoại xâm và trong chiến tranh đã có biết bao từ ngữ vừa dân dã, vừa có ý nghĩa sâu xa mà người viết muốn nêu lên vì con cháu mình bây giờ có đứa chưa từng thấy và cũng chưa từng nghe.

Người Việt Nam ta từng “vào sinh ra tử” đương đầu với biết bao kẻ ngoại xâm và trong chiến tranh đã có biết bao từ ngữ vừa dân dã, vừa có ý nghĩa sâu xa mà người viết muốn nêu lên vì con cháu mình bây giờ có đứa chưa từng thấy và cũng chưa từng nghe.

Máy bay trinh sát của địch gọi là L19 thường chỉ điểm cho pháo, cho máy bay ném bom. Tên gọi gốc của nó là như vậy nhưng khi nó xâm hại đến đất nước Việt Nam thì người Việt Nam gọi nó “đầm già”, có nơi gọi là “bồ cào”. Loại máy bay trực thăng dùng để chở quân HU1A, nó giống như con sâu rọm cho nên người dân đặt cho nó là “trực thăng sâu rọm”.
 
Có loại máy bay vừa trinh sát vừa tìm mục tiêu tấn công ta rất nguy hiểm mà hình thù nó giống như cái gáo múc nước cho nên người dân gọi là “trực thăng cán gáo”. Có loại máy bay trinh sát thường chỉ điểm pháo từ các hạm đội bắn vào đất liền, phía sau chiếc máy bay ấy có cái khung tương tự như cái cầu tỏm của người dân nông thôn nên gọi là “máy bay cầu tiêu”.

Có loại máy bay trực thăng chiến đấu của Mỹ dùng để trực tiếp yểm trợ lúc đổ quân hoặc rút quân, nhưng khi gặp mục tiêu thì loại máy bay này tàn phá các mục tiêu rất nguy hiểm nhưng nó có vóc hình tương tự con cá lẹp, người dân gọi là “trực thăng cá lẹp”... Những tên gọi nêu trên vừa mộc mạc, dân dã nhưng nó có hàm ý rất sâu.
 
Người dân coi tất cả các loại máy bay ấy của địch không ra gì cả, chúng chẳng qua là con sâu rọm, cái cầu tiêu, con cá lẹp, con bồ cào, cái cán gáo; nó rất tầm thường có gì mà phải ghê sợ. Họ dùng những từ hóm hỉnh ấy rồi quen, hầu như người dân nào ở vùng ĐBSCL cũng đều hiểu được.

Trong trang sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, các nhà viết sử cũng cần dành cho nó một trang riêng tổng hợp ghi lại những cái tên dân dã tương tự như trên để cho con cháu mai sau hiểu được tinh thần chống giặc ngoại xâm của cha anh là không run sợ các phương tiện chiến tranh hiện đại của kẻ thù.

Thực tiễn trong chiến tranh còn biết bao cụm từ xuất xứ từ điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ gọi “vùng da beo”, là vì có lúc ta và địch đứng chân bên cạnh nhau có nơi có lúc chỉ cách nhau chưa đầy 1 cây số, có lúc ở thế cài răng lược nhau mà đứng chân; rồi “căn cứ lõm” là chỉ lúc ta xây dựng căn cứ trong lòng dân vì có nơi địa hình thuận lợi ta xây dựng căn cứ sát nách địch. Nhờ nhiều căn cứ lõm như vậy chúng ta mới căng kéo lực lượng địch để trụ vững trên căn cứ ấy.

Còn trong cách đánh, ta thường gọi đánh địch bằng “2 chân, 3 mũi”. “2 chân” ở đây là chính trị và quân sự trên thực tế từng địa bàn cụ thể. Vào thời điểm cụ thể, chúng ta có lúc đẩy mạnh tấn công địch về chính trị, bằng lực lượng của quần chúng đấu tranh đòi các yêu sách của địch, buộc địch phải đáp ứng các yêu cầu mà người dân đòi hỏi.

Trong lúc lực lượng vũ trang còn non yếu thì chúng ta chỉ có yểm trợ cho lực lượng chính trị ở chừng mức nhất định. Trên cơ sở “2 chân” ấy, có lúc quân sự đánh mạnh hơn, rồi có lúc chính trị- quân sự song song; phát triển ở đỉnh cao hơn là một lực lượng binh vận có những trận đánh ta phải kết hợp chính trị, quân sự và binh vận, thời đó ta gọi là “2 chân, 3 mũi”. Với cách đánh này, địch rất khó đối phó.

Có khi ta đưa một lực lượng biểu tình vào đồn bót địch, chúng không đáp ứng được yêu cầu của dân thì ta đưa quả đấm mạnh quân sự trừng trị thì địch sẽ hoang mang.

Ta tiếp tục đưa lực lượng chính trị, binh vận đấu tranh đòi con em họ trở về với dân, cao hơn nữa là cướp súng địch trở về với cách mạng hoặc ta cài cắm người trong lòng địch thông qua con đường thân nhân của họ để phối hợp đánh địch.

Thời kháng chiến, nhiều tên gọi, nhiều cách đánh địch nghe thì mộc mạc nhưng nó đều có dấu ấn lịch sử. Mong các nhà nghiên cứu sử cần quan tâm hơn nữa, đầu tư cho sưu tầm những tư liệu lịch sử nhỏ bé ấy để làm phong phú thêm trang sử hào hùng của dân tộc.

NGUYỄN THANH LIÊM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh