Hiện nay, trong khi nhiều thanh- thiếu niên cố gắng phấn đấu học tập lập thân, lập nghiệp thì không ít thanh- thiếu niên lao vào cuộc sống buông thả, đua đòi ăn chơi, thậm chí rơi vào cạm bẫy tệ nạn xã hội. Điều đáng lo ngại là số trẻ em hư ở độ tuổi vị thành niên ngày càng tăng.
Hiện nay, trong khi nhiều thanh- thiếu niên cố gắng phấn đấu học tập lập thân, lập nghiệp thì không ít thanh- thiếu niên lao vào cuộc sống buông thả, đua đòi ăn chơi, thậm chí rơi vào cạm bẫy tệ nạn xã hội. Điều đáng lo ngại là số trẻ em hư ở độ tuổi vị thành niên ngày càng tăng.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa.
Nói đến hoạt động văn hóa, biểu diễn, xuất bản... người ta thường hiểu đó là những tác phẩm, những buổi diễn đem lại sự thú vị và bổ ích cho người đọc, người xem.
Thế nhưng, mới đây dư luận, báo chí liên tiếp phản ánh nhiều thông tin liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xuất bản, biểu diễn khiến người dân rất bức xúc.
Đó là việc một số nhà xuất bản (NXB), vì lợi nhuận, buông lỏng quản lý, để cho các xuất bản phẩm là những truyện tranh của Nhật Bản, hoặc mô phỏng theo nội dung của truyện tranh Nhật Bản, nhưng đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không có lợi, thậm chí “đầu độc” tâm hồn trẻ em... tràn lan trên thị trường.
Trong vụ truyện tranh phản giáo dục, điều đáng ngại là nhiều bộ sách được xem là một tựa trong “tủ sách của teen”, giới thiệu cho các em, cả ở độ tuổi thiếu nhi và tuổi mới lớn, tìm đọc một cách bình thường.
“Thị trường truyện tranh hiện đang phát triển không kiểm soát được” đó là ý kiến chung của một số cán bộ các NXB có chức năng thực hiện truyện tranh. Hiện nay, một số tư nhân tự sản xuất các đầu truyện tranh có tính gợi dục, kích thích các em thiếu nhi tìm đọc, nhưng lại đặt tên nhân vật theo kiểu Nhật Bản, Hàn Quốc khiến mọi người tưởng rằng đó là các bộ truyện dịch.
Các tập truyện “hot” của nhiều NXB thường không ghi tác giả, chỉ ghi người thực hiện, song cũng rất mơ hồ. Rõ ràng, qua những thông tin trên, có thể thấy rõ việc nhiều NXB, vì lợi nhuận, đã liên kết cùng một số tư nhân lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, bất chấp việc xuất bản phẩm độc hại của họ đang đầu độc trẻ em như thế nào, gián tiếp làm tăng tỷ lệ tội phạm vị thành niên ra sao. Nếu chiếu theo luật, đây cần được xem là hành vi sản xuất, phổ biến, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy và phải bị xử lý theo pháp luật.
Lối sống đạo đức phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện trong cuộc sống hàng ngày ở trường học, gia đình và trong xã hội. Điều quan trọng nhất là giáo dục để lớp trẻ có được nhận thức đầy đủ về lối sống và đạo đức của con người, biết phân biệt đúng, sai để rồi có bản lĩnh vững vàng trước những cảnh tượng phi văn hóa, phi đạo đức diễn ra quanh mình.
Thuần phong mỹ tục của dân tộc và những giá trị của gia đình truyền thống phải ngấm sâu vào tâm hồn và suy nghĩ của các em. Mỗi gia đình phải là mái ấm tình thương che chở, bảo vệ và hướng dẫn các em khi vào đời, trong đó người lớn phải gương mẫu để các em noi theo.
Cần làm trong sạch môi trường văn hóa, tạo nhiều sân chơi văn hóa nghệ thuật lành mạnh cho thanh niên, thiếu niên, đồng thời kiên quyết xóa bỏ những sản phẩm văn hóa độc hại với sự tham gia của chính lớp trẻ.
Vẫn biết quản lý văn hóa, xuất bản là công việc khó khăn và mang tính nhạy cảm cao. Tuy nhiên, với những vụ việc mang tính đúng, sai rõ ràng, đi ngược lại với lợi ích của đông đảo người dân, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, việc xử lý của các cơ quan quản lý hoàn toàn không phải là điều khó khăn gì và chắc chắn sẽ được dư luận ủng hộ.
HỒNG NGUYÊN (Hà Nội)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin