Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), đây là một lễ hội có vai trò quan trọng trong chiến lược xúc tiến thương mại, đẩy mạnh công tác xây dựng, khẳng định vị thế của cà phê Buôn Ma Thuột và cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), đây là một lễ hội có vai trò quan trọng trong chiến lược xúc tiến thương mại, đẩy mạnh công tác xây dựng, khẳng định vị thế của cà phê Buôn Ma Thuột và cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Với một tầm vóc lễ hội lớn như thế nhưng ban tổ chức đã không dùng từ Festival như những lễ hội khác được tổ chức ở nhiều địa phương.
Bấy lâu nay, có thể nói việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong các hoạt động sự kiện diễn ra tương đối phổ biến mà tiêu biểu nhất là việc dùng từ Festival. Hiện tượng dùng từ Festival phổ biến đến mức lễ hội lớn, nhỏ gì cũng đem ra sử dụng.
Có thể liệt kê ra vài chục các sự kiện liên hoan, lễ hội gắn liền với cái tên Festival như Festival Huế, Festival Tây Sơn Bình Định, Festival thanh niên nông thôn, Festival trái cây, Festival hoa Đà Lạt, Festival dừa Bến Tre, Festival lúa gạo, Festival bia, Festival biển Vũng Tàu, Festival chọi trâu, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival gốm sứ Bình Dương,...
Việc lạm dụng ngoại ngữ vào trong các cụm từ trên bỗng dưng tạo nên những câu văn “nửa Tây nửa ta” đến khó hiểu. Sao không gọi là “Lễ hội hoa”; “Lễ hội biển”; “Lễ hội Huế”... mà cứ gắn cụm từ Festival vào?
Có những em nhỏ học tiểu học hay người lớn mỗi lần đọc báo, xem truyền hình đã thắc mắc “Festival” là gì? Các cơ quan nhà nước khi làm chương trình lễ hội có nghĩ rằng được bao nhiêu người Việt Nam ta biết tiếng Anh và ai cũng hiểu được từ “Festival” không?
Có thể nói Festival chỉ khuyến khích dùng trong các cuộc liên hoan, lễ hội mang phạm vi quốc tế với thành phần tham gia có nhiều khách quốc tế.
Còn những lễ hội mà tính quốc tế hầu như không có hoặc có rất ít thì hoàn toàn nên sử dụng từ liên hoan hoặc lễ hội vừa để giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt vừa để gần gũi với đa số nhân dân, nhất là với nông dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại…
Chính vì vậy, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì trước hết là phải biết trân trọng và sử dụng tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi, hạn chế tối đa việc sử dụng tiếng nước ngoài vào trong văn bản cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng ta chỉ nên sử dụng ngoại ngữ vào trong những trường hợp tiếng Việt không có từ nào thay thế được, trong công tác chuyên môn hay trích dẫn những đoạn nguyên bản,...
VĂN THY HOÀNG (Quảng Nam)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin