Bệnh nhân cần lưu ý khi dùng thuốc

02:03, 21/03/2013

Khi có bệnh thì phải đến bác sĩ, song người bệnh rất khó nhìn toa thuốc vì hai lý do chính: tên thuốc là tên nước ngoài, đã vậy còn cộng thêm chữ bác sĩ như “rồng bay, phượng múa”.

Khi có bệnh thì phải đến bác sĩ, song người bệnh rất khó nhìn toa thuốc vì hai lý do chính: tên thuốc là tên nước ngoài, đã vậy còn cộng thêm chữ bác sĩ như “rồng bay, phượng múa”.

Vì vậy, một số người bệnh khi cầm toa thuốc bác sĩ đi mua thì cầm luôn loại thuốc và hỏi ngay người bán thuốc loại này uống ngày mấy lần, lần mấy viên cho chắc ăn (vì có trường hợp quầy thuốc không có loại thuốc bác sĩ cho nên đã thay thế loại thuốc có tác dụng điều trị tương tự).

Có lẽ để nhanh chóng phục vụ, các quầy thuốc đã nghĩ cách in sẵn miếng giấy ghi ngày uống mấy lần, mỗi lần mấy viên, uống trước khi ăn, sau khi ăn hay trước khi đi ngủ,… để kèm vào mỗi loại thuốc cho thuận tiện. Chính vì vậy mà người bệnh chủ quan không đối chiếu thông tin giữa toa thuốc và miếng giấy in sẵn mà người bán thuốc gắn lên trên mỗi loại thuốc.

Tôi đã gặp trường hợp này, khi người thân khám bệnh ở một bệnh viện lớn trên TP Hồ Chí Minh. Khi về nhà, tôi chủ quan không xem thông tin trên toa mà chỉ căn cứ vào thông tin trên miếng giấy của nhà thuốc in sẵn.

Uống vài ngày thì thấy có một loại thuốc sắp hết trong khi các loại khác còn nhiều. Tôi nghi ngờ và mở toa ra xem thì mới thấy thông tin hướng dẫn sai, trong khi bác sĩ chỉ định liều dùng mỗi ngày 1 viên, nhưng người bán thuốc lại gán vào miếng giấy sáng 1 viên, chiều 1 viên.

Tôi nghĩ uống quá liều cho phép thì sẽ gây hậu quả đáng tiếc nếu thuốc đó có tác dụng mạnh. Vì vậy, thiết nghĩ người bệnh cũng nên thận trọng đối chiếu với toa bác sĩ để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc từ các nhân viên quầy thuốc.

NGUYỄN THỊ HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh