Kinh tế - xã hội phát triển thì kèm theo đó là sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo là sự suy thoái về đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Vấn đề này đang là một thách thức không hề nhỏ đối với gia đình, nhà trường và xã hội.
Kinh tế - xã hội phát triển thì kèm theo đó là sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo là sự suy thoái về đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Vấn đề này đang là một thách thức không hề nhỏ đối với gia đình, nhà trường và xã hội.
Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Những hành động mang tính chất côn đồ, “rác” ngôn ngữ ngày càng được các bạn trẻ sử dụng, với mục đích là thể hiện sự sành điệu và đẳng cấp.
Chính những cách suy nghĩ lệch lạc đó mà số lượng thanh niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng. Hơn nữa, rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang chạy theo vòng xoáy của “văn hóa tốc độ”.
Từ những sách báo không lành mạnh, băng đĩa đồi trụy đến những quán Karaoke “tươi mát”, quán nhậu thâu đêm, rồi những hình xăm chằng chịt trên cơ thể… đều được các bạn trẻ thực hiện dễ dàng với nhiều cách khác nhau.
Không những vậy, nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 sử dụng xe gắn máy phân khối lớn đi học một cách thản nhiên. Thậm chí, còn tụ tập đua xe, lạng lách vào những đêm khuya, gây mất trật tự địa phương.
Tình trạng không đội nón bảo hiểm xuất hiện ngày càng nhiều trong giới trẻ. |
Một hôm, tôi ngồi uống cà phê với bạn ở quán S.A, đường Ung Văn Khiêm (gần Trường đại học An Giang), bỗng nhiên mọi người im lặng… “Đ.M, sao tụi bây không “xử” nó, nhờ tụi bây chút mà cũng làm không xong. Đừng để tao gặp mặt nó, tao mà gặp là chết với tao…”, phát ra từ miệng một cô gái trẻ đang ngồi ngay cạnh bàn tôi, ăn mặc rất sành điệu, với đôi móng tay sơn đủ màu và mái tóc nhộm vàng cháy.
Xen ngang lời cô gái trẻ đó, một cậu thanh niên với giọng điệu ẻo lả, nói: “Vừa phải thôi bà nội ơi! người ta mới có đứng nói chuyện với bồ bà mà bà làm thấy ghê. Lỡ bà mà gặp bồ bà chở con nào, chắc bà tạt axít người ta quá. Từ từ đi, rồi tụi này nói chuyện với nó…
Uống nước đi, người ta nhìn quá trời kìa”. Cuộc nói chuyện của các cô, cậu thanh niên mới lớn, khiến tôi rùng mình. Ngoài ra, xu hướng lối sống tiêu cực của thanh niên còn thể hiện ở sự buông thả bản thân; hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật; ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Cách đây không lâu, tôi chạy xe trên đường Hà Hoàng Hổ (TP. Long Xuyên), tình cờ chứng kiến tai nạn giao thông.
Trong khi mọi người khẩn trương đưa các nạn nhân đến bệnh viện, thì một cặp thanh niên chạy tới nhìn các nạn nhân, không biết nguyên nhân thế nào nhưng cô gái ngồi phía sau, phát lên: “Con mẹ nó, ai biểu chạy cho cố sát, bị vậy là còn nhẹ, có ngày xài “điện thoại nắp trượt” cho biết… Thôi, chạy lẹ đi anh, tụi nó đang đợi”. Nói xong, đôi thanh niên hụ ga, vọt đi mất dạng.
Không chỉ có thế, nhiều thanh niên, nhất là học sinh còn kết bè, kết phái, tụ tập đánh nhau; trốn học đi chơi game, truy cập vào những trang web đòi trụy, xem những clip có tính chất bạo lực, kinh dị, hay nghe những bản nhạc chế tục tỉu, học cách đánh “bo” theo nhạc, thậm chí còn sử dụng các trang mạng xã hội show hình “tự sướng”… để thể hiện “đẳng cấp”, mà quên mất việc quan trọng nhất của một học sinh là tập trung vào việc học.
Chị Thanh (TP. Long Xuyên), ngán ngẫm: “ Ở khu vực nhà tôi, đa số là người dân lao động, ngày nào cũng vậy, cứ khoảng hơn 22 giờ, là có khoảng 5-7 thằng choi choi tụ tập ăn nhậu, phá làng phá xóm, gây mất trật tự, nhiều lần bị chính quyền địa phương nhắc nhở nhưng chúng vẫn đâu ra đó”.
Thiết nghĩ, các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái hơn và gương mẫu trong lối sống để con cái noi theo. Thay vì nuông chiều, quở trách, la mắng, thậm chí đánh đập, các bậc cha mẹ nên khuyên bảo, chỉ ra những điều sai trái, từng bước dạy dỗ, uốn nắn, để các “cậu ấm”, “cô chiêu” biết tôn trọng người khác, nhận thức được việc nào tốt cần học, cần làm theo; việc nào xấu, tiêu cực thì tránh.
Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh với nhiều hình thức đa dạng, thông qua việc lồng ghép vào các tiết học hay các hoạt động ngoại khóa.
Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo, hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Ngoài ra, các tổ chức Đoàn, Đội cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, tư tưởng, chính trị, truyền thống cách mạng, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho thanh thiếu nhi. Qua đó, giúp các bạn trẻ có ý thức tu dưỡng đạo đức, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức trách nhiệm, xác định đúng mục tiêu phấn đấu để cống hiến sức mình cho xã hội.
Theo An Giang Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin