Hiện nay, trong các đám tiệc, liên hoan, ngoài thức ăn ngon, phải kể đến thức uống đi kèm, trong đó không thể thiếu rượu bia. Có rượu bia, cuộc vui như tăng thêm phần hào hứng và rôm rả.
Hiện nay, trong các đám tiệc, liên hoan, ngoài thức ăn ngon, phải kể đến thức uống đi kèm, trong đó không thể thiếu rượu bia. Có rượu bia, cuộc vui như tăng thêm phần hào hứng và rôm rả.
Thế nhưng, không ít người quan niệm sai lầm rằng, trong các cuộc vui, tiệc tùng, liên hoan phải uống cho tới bến, phải say mới thể hiện sự nhiệt tình, chân thành, còn không uống hoặc uống cầm chừng thì bị coi là thiếu tôn trọng, coi thường người khác...
Có một nghịch lý đáng buồn rằng, câu cửa miệng khi nâng chén rượu lên chúc mọi người chính là lời chúc sức khỏe, vậy mà phải “ép” uống cho say thì còn gì là sức khỏe nữa?
Tửu lượng của mỗi người khác nhau, nhu cầu uống cũng không như nhau, nhưng mỗi khi có ai đến chúc đều phải công bằng đầy, vơi và cùng nhau cạn hết ly.
Đây là kiểu uống rượu “sát phạt” nhau chứ không phải mong cho nhau có sức khỏe, thành đạt.
Thế mới có không ít trường hợp bị tai nạn giao thông bởi uống rượu quá chén, không ít người phải đến bệnh viện lúc nửa đêm vì ngộ độc rượu, phải nằm điều trị dài ngày vì bệnh tật hoành hành có liên quan tới rượu, vì lợi nhuận người ta sẵn sàng chế biến bớt xén, thậm chí “phù phép” để cho ra hàng trăm lít rượu độc chỉ với vài chất pha chế...
Thậm chí có người uống rượu nhiều sinh ra hư hỏng, mất kiểm soát, là căn nguyên cho những rắc rối, phức tạp trong cuộc sống gia đình và ứng xử xã hội. Không chỉ gây hậu quả cho chính bản thân người uống, rượu còn là nguyên nhân gây nên các vụ ẩu đả, đâm chém dẫn đến chết người chỉ vì rượu vào không làm chủ được bản thân.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổng kết, 60% tai nạn ở nước ta có liên quan đến bia, rượu và 70% bạo hành gia đình cũng có nguồn gốc từ đây. Vì thế, tiêu thụ bia nhiều chẳng có gì tốt đẹp, không nên khuyến khích; ngược lại, cần khuyến cáo giảm sử dụng.
Một thống kê gần đây cho thấy, năm 2011 nước ta tiêu thụ khoảng 2,6 tỷ lít bia. So với các nước trong khu vực, Thái Lan là 1,8 tỷ lít và Singapore là 108 triệu lít/năm.
Điều đáng nói là hai nước này đều có bình quân thu nhập đầu người/năm cao hơn Việt Nam. Đâu chỉ thế, trong báo cáo “Hiện trạng nghèo đói ở ĐBSCL”, do chương trình hỗ trợ phát triển của Úc tài trợ có nêu: So với hộ có quê gốc miền Bắc hoặc Trung, người dân Nam Bộ có mức chi tiêu cho ăn nhậu, đám tiệc… lãng phí hơn và là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, thất nghiệp.
Thiết nghĩ, mọi người nên nhận thức lại cách uống rượu, hãy kiên quyết nói không với rượu để tạo cho mình một lối sống lành mạnh, hạnh phúc.
NHẤT HUỲNH (Vũng Liêm)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin