Là giáo viên dạy môn Tin học với 7 năm kinh nghiệm ở 2 trường THPT, tôi chiêm nghiệm ra rằng: đa số học sinh dù đã học trên 3 năm Tin học những vẫn còn mơ hồ về bộ môn này.
Là giáo viên dạy môn Tin học với 7 năm kinh nghiệm ở 2 trường THPT, tôi chiêm nghiệm ra rằng: đa số học sinh dù đã học trên 3 năm Tin học những vẫn còn mơ hồ về bộ môn này.
Chỉ chừng 20% (theo từng lớp) được loại giỏi, khoảng 30% loại khá và trung bình, số còn lại là yếu kém.
Điều đáng ngạc nhiên là nhiều em đã có chứng chỉ A Tin học (bằng nghề) ở lớp 9 để cộng điểm, nhưng lên lớp 10 lại không hiểu gì. Thậm chí ngay cả đánh các câu trắc nghiệm về tin học cơ bản, các em cũng đánh sai.
Tuy nhiên, nếu được hỏi về vấn đề Internet, các trang web giải trí, game online… thì các em rất rành rọt. Tôi đã từng thử khảo sát một lớp học bằng bảng khảo sát giữa tin học cơ bản và Internet, thấy rằng các em đánh sai về tin học quá nhiều.
Điều đáng buồn hơn là ngay cả những thao tác đánh chữ tiếng Việt bằng hai phần mềm Viekey và Unikey, các em đều lớ ngớ. Để đánh được một đoạn văn bản chừng 200 từ, phải mất 20- 30 phút (!) Còn đánh chữ không dấu thì các em lướt các ngón tay nhanh như gió.
Nhưng nói đi phải nói lại. Nhìn chung những kiến thức cơ bản về tin học ở 3 năm THPT còn quá dàn trải, nặng, lan man…
Điều đó đã làm các em ngán ngẩm và ít chú tâm trong việc học tập. Trong khi đó môn Tin học là môn phụ, tiết học quá ít, giáo viên không có thời gian để thực hành trên máy nhiều hơn cho các em. Thành ra trớ trêu là môn Tin học lại thực sự không có ý nghĩa trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, mà học theo kiểu “cho có lệ”.
Dẫu biết rằng môn Tin học chỉ để tập cho các em làm quen với vi tính nhưng học là để hiểu, để thích thú, để ứng dụng… chứ không phải học để đối phó. Chứng chỉ A Tin học cộng điểm thi Tốt nghiệp lớp 9 và lớp 12 là một ví dụ điển hình.
Các em chỉ học để mong được cộng 1 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp nên đâm ra học qua quýt, không xem tin học là ngành hữu dụng. Có nhiều em kể lại rằng giáo viên gác thi lấy bằng A Tin học rất dễ, có thể quay cóp ở phần thi lý thuyết, thậm chí giáo viên giám thị còn hướng dẫn thí sinh làm bài ở phần thi thực hành.
Điều này đã làm các em lười vận động trí não (đặc biệt là ở phần Excel), ỷ lại và xem nhẹ môn Tin học.
Thiết nghĩ, để môn Tin học thực sự ý nghĩa, thiết thực thì Bộ GD-ĐT cần đổi mới kiến thức môn học này sao cho linh hoạt, hạn chế ở phần lý thuyết, để các em có thời gian thực hành trên máy nhiều hơn.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần cho con cái đi học tin học ở các lớp bên ngoài ngay từ khi các em còn nhỏ, tập cho các em quen dần với tin học, để sau này khi vào THPT, các em không ngỡ ngàng.
ĐẶNG TRUNG THÀNH (TP Hồ Chí Minh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin