Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn không phải là “bê tông hóa” tất cả. Phải giữ lại những phong tục tập quán, những di tích của làng xã, nhà thờ họ...
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn không phải là “bê tông hóa” tất cả. Phải giữ lại những phong tục tập quán, những di tích của làng xã, nhà thờ họ...
Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong quá trình triển khai, hầu hết các địa phương đều thuê các công ty tư vấn thiết kế nên việc lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết ở một số địa phương phần nào còn hạn chế. Người dân trong cộng đồng dân cư đều mong muốn giữ được những nét đẹp truyền thống trong quá trình xây dựng NTM của mình.
Cần nhìn nhận một cách hết sức thiết thực và cụ thể rằng, nhà cửa nông thôn có thể rất đẹp, đời sống nông thôn có thể gần ngang bằng thành thị nhưng đời sống ở nông thôn là gắn với ruộng đồng, chuồng trại chăn nuôi, khác hẳn với đời sống thành thị. Vì vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn không phải là “bê tông hóa” tất cả. Vẫn phải giữ lại những phong tục tập quán, những di tích của làng xã, nhà thờ họ, những nơi mang tính truyền thống như cây đa, giếng nước, cổng làng, đền chùa... Vì những cái đó là đặc điểm riêng của nông thôn Việt Nam, không thể xóa bỏ được. Xây dựng mới nhưng không có biện pháp bảo tồn, giữ gìn truyền thống văn hóa, cảnh quan làng xã thì chúng ta có nguy cơ phá vỡ nền tảng văn hóa truyền thống quý giá này.
Khi làm quy hoạch xây dựng NTM, người kiến trúc sư phải có những kiến thức sâu và rộng về cội nguồn của văn hóa làng xã, của đối tượng mà ta sẽ phải nghiên cứu và hoạch định nó trong từng nét bút. Xây dựng NTM để người nông dân được sống trong môi trường tự nhiên trong lành, giữ được tình nghĩa cộng đồng, đồng thời được hưởng những giá trị ưu việt của văn minh đô thị. Phải theo đúng các tiêu chí đã quy định và phù hợp với điều kiện từng nơi. Đặc biệt, việc xây dựng, nâng cấp điện, đường, trường, trạm, chợ, các công trình văn hóa... cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thi công.
Quá trình đô thị hóa thiếu quy hoạch ở một số nơi cũng đang phá vỡ cảnh quan gắn bó với thiên nhiên của làng quê. Đô thị hóa cùng với các khu công nghiệp mọc lên khiến cho không ít vùng nông thôn bị ô nhiễm môi trường.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững, giữ được diện mạo, môi trường lành mạnh của làng quê, đồng thời xây dựng người nông dân mới vừa có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến vừa có bản lĩnh, cốt cách của con người Việt Nam là trách nhiệm của mọi người trong xã hội, mà bước đi đầu tiên là của các nhà quản lý và các nhà kiến trúc.
NGUYỄN HOÀNG DUY (TP Hồ Chí Minh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin