Thiên tài và nuôi dưỡng, giáo dục thiên tài

08:12, 13/12/2012

Thiên tài là yếu tố bẩm sinh, phát triển đặc biệt khác thường. Theo nhà triết học Đức Goethe: “Thiên tài là 1% của tài năng và 99% của lao động”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện nay cho biết thiên tài có nhiều nhất từ 20- 30% của giáo dục và lao động, còn lại 70- 80% là bẩm sinh.

Thiên tài là yếu tố bẩm sinh, phát triển đặc biệt khác thường. Theo nhà triết học Đức Goethe: “Thiên tài là 1% của tài năng và 99% của lao động”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện nay cho biết thiên tài có nhiều nhất từ 20- 30% của giáo dục và lao động, còn lại 70- 80% là bẩm sinh.

Điều quan trọng sớm phát hiện năng khiếu đặc biệt của trẻ em là nuôi dưỡng, giáo dục để thành tài. Các yếu tố liên quan đến thiên tài ra đời, như chỉ số thông minh (IQ) cùng sự liên quan giữa trí tuệ con cái và cha mẹ. Cha mẹ thông minh sẽ sinh ra con thông minh, nhưng năng lực bẩm sinh chưa phải tất cả. Vấn đề đặt ra là sớm phát hiện năng khiếu bẩm sinh nơi trẻ và nuôi dưỡng, giáo dục trẻ thành thiên tài như thế nào mới là quan trọng.

Cho đến nay, đã có khá nhiều công trình khoa học nghiên cứu về trẻ có năng khiếu đặc biệt. Tiến sĩ tâm lý người Mỹ Stefen Fliegel đưa ra kết luận: “Trẻ em ít khi tự biết phải làm gì với cái năng khiếu bẩm sinh của mình. Thành công của chúng phụ thuộc vào người lớn. Sự hiểu lầm của cha mẹ, thầy giáo sẽ bóp chết từ trong trứng nước đam mê của trẻ”. Vậy làm thế nào để nhận ra thiên tài? Các nhà khoa học nhận định ngay từ khi trẻ học mẫu giáo, năng khiếu về toán học, âm nhạc, hội họa được thể hiện. Những năm đầu của bậc phổ thông cơ sở mới phát triển những năng khiếu nổi trội hơn với trẻ khác. Nhưng chúng ta không quên rằng chỉ số thông minh không phải là quyết định thiên tài hay không? Một đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt ngay từ khi lên 3- 4 tuổi đã biết học nói, đọc và viết sớm hơn trẻ khác cùng lứa tuổi. Nó có nhiều sáng tạo và nhiều câu hỏi đặt ra, tìm cách trả lời. Nhưng không phải tất cả đứa trẻ có năng khiếu bẩm sinh đều có kết quả học tập đứng đầu lớp. Thường thiên tài có tính cá biệt- một đứa trẻ có năng khiếu thường khao khát hiểu biết nên đặt nhiều câu hỏi khiến thầy cô khó trả lời. Bởi vậy, thầy cô giáo phải hiểu biết tâm lý phát triển, yêu cầu của trẻ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho phù hợp. Điều quan trọng là biết nuôi dưỡng và giáo dục thiên tài như thế nào?

Phần lớn trẻ em không đủ kiên nhẫn và ý chí để duy trì, phát triển những sở thích của mình. Vì vậy, cha mẹ chính là người quyết định tạo điều kiện cho trẻ phát triển năng khiếu, theo dõi, khuyến khích. Ngay những năm tháng đầu đời, trẻ em cần cha mẹ quan tâm, kích thích phát triển qua trò chơi mang tính cách trí tuệ như xếp hình chẳng hạn. Nên khuyến khích sự sáng tạo của trẻ và không ngừng đưa ra sáng kiến. Cổ vũ và động viên trẻ khi thất bại. Phương pháp giáo dục phải phù hợp với trí tuệ và tính nết trẻ. Có hiện tượng đáng buồn, khi đứa trẻ phát triển trên mức bình thường, thường bị đối xử bất công trong gia đình, xem như “cá biệt” hoặc bị mắng mỏ vì hiếu động hay hỏi quá nhiều, người lớn không muốn trả lời. Lẽ ra trong quá trình nhận thức hiểu biết thế giới, người lớn phải có lòng rộng mở, là người bạn đồng hành, hướng dẫn cho trẻ tìm được lời giải đáp qua tài liệu, sách vở.

Một đứa trẻ dù là thần đồng đi nữa, cũng cần cha mẹ, thầy cô giáo cung cấp cho những kiến thức qua tài liệu, sách báo phù hợp tìm hiểu để phát triển năng khiếu. Bởi nói gì thì nói, một đứa trẻ dù xuất chúng đến mấy cũng vẫn là trẻ con. Đứa trẻ phải học thông qua trò chơi. Không nên áp đặt, bắt con phải thực hiện những gì chúng không muốn làm. Thành tích học tập ở trường không thể là mục tiêu duy nhất để đánh giá năng khiếu của trẻ. Điều cơ bản trong việc nuôi dưỡng nhân tài là hài hòa, quan tâm đến con cái, tạo điều kiện cho con cái học tập, vui chơi, phát triển theo sở thích. Gia đình chính là cái nôi cho tài năng trẻ phát triển. Trẻ ngày nay thành đạt vẻ vang, phần lớn là nhờ giáo dục đầu tiên của gia đình và cái “gien” di truyền của cha mẹ. Trẻ có thích thú mới học tập tốt. Việc học tập điều do trẻ làm “chủ thể”, cha mẹ, thầy cô giáo hướng dẫn, tạo điều kiện cho tài năng trẻ phát triển. Nhà trường cùng gia đình là môi trường quyết định sự phát triển năng khiếu của trẻ.

Con em chúng ta có thành đạt hay không đều do phần lớn ảnh hưởng giáo dục gia đình. Tài năng trẻ phát triển hay không nhờ sợ bồi đắp, vun trồng của cha mẹ, thầy cô giáo và sự quan tâm của toàn xã hội.

NGUYỄN MẪN CÁN (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh