Tôn vinh người thầy phải bằng cái tâm trong sáng

07:11, 15/11/2012

Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay nhiều người vẫn nhắc câu: “quân, sư, phụ”. Hồi xưa, người dân coi vua là vị bề trên tối thượng, kế đó là người thầy, vị trí thứ 3 mới là cha. Nhắc câu đó, dân ta muốn nhấn mạnh vai trò và tôn vinh người thầy, vì họ là người giúp con em của chúng ta có một lượng tri thức nhất định để vào đời và không chỉ thế, thầy còn nhắc nhở “Tiên học lễ,

Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay nhiều người vẫn nhắc câu: “quân, sư, phụ”. Hồi xưa, người dân coi vua là vị bề trên tối thượng, kế đó là người thầy, vị trí thứ 3 mới là cha. Nhắc câu đó, dân ta muốn nhấn mạnh vai trò và tôn vinh người thầy, vì họ là người giúp con em của chúng ta có một lượng tri thức nhất định để vào đời và không chỉ thế, thầy còn nhắc nhở “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Cách đây 30 năm, Nhà nước ta đã chọn ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Điều đó đã nói lên sự tôn vinh người thầy là truyền thống nhất quán của dân tộc ta. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thường nhắc nhở người thầy: “càng yêu người bấy nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”. Còn cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì nhận định: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý... Nói chung, từ Bác Hồ đến các vị lãnh đạo cấp cao của đất nước ta và cả xã hội Việt Nam đều dành cho người thầy ở vị trí rất đáng trân trọng.

Đất nước ta tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục mà vai trò người thầy là lực lượng xung kích, lực lượng chủ công đi đầu thực hiện nhiệm vụ trọng đại ấy. Vì thế gần đây báo chí đưa lên các quan điểm, các ý kiến của các vị lão làng trong ngành giáo dục phân tích sâu về vị thế người thầy. Trong các ý kiến ấy đã nổi rõ lên vấn đề là gần đây vị thế người thầy bị xem nhẹ, đẩy một bộ phận giáo viên thiếu thiết tha gắn bó với sự nghiệp trồng người. Một số chính sách đối với người thầy chưa hợp lý; nào là lương không đủ sống cho bản thân đừng nói tới nghĩa vụ phải nuôi cha mẹ, con cái do thiếu trước hụt sau, muốn đứng được trên bục giảng đòi hỏi người thầy phải xoay xở kiếm sống, trong cách xoay xở kiếm sống có khi vị thế của họ xuống cấp trong thang bậc của người thầy. Do vật lộn với cuộc sống một cách chật vật thì còn đâu có thời gian cho người thầy học tập nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục, nhất là thời kỳ giáo dục đang đổi mới. Báo chí cũng kêu ca: đã xác định xây dựng đội ngũ giáo viên là cốt lõi, quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của việc đổi mới giáo dục, nhưng đến nay vấn đề giáo viên chưa được giải quyết căn cơ, thấu đáo. Trước thực trạng đã, đang diễn ra hiện nay trong lực lượng giáo viên, việc tôn vinh người thầy không còn là khẩu hiệu mà cần phải chuyển thành chủ trương, nghị quyết, chính sách, việc làm cụ thể của các cấp hữu trách mà đặc biệt là ngành giáo dục, đảng bộ và chính quyền các cấp.

Về phần người thầy, cần cố gắng nhiều hơn, vượt qua khó khăn thử thách, kiên trì bền bỉ với sự nghiệp trồng người; khắc phục những yếu kém nhất là đạo đức phẩm chất, đừng để khó khăn thiếu thốn mà làm lem ố vị thế của người thầy.

Phải củng cố lòng tin để có dũng khí bước đi những bước chắc chắn, chững chạc để không phụ lòng xã hội từng tôn vinh mình.

NGUYỄN THANH LIÊM (Trà Ôn)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh