Cần tôn trọng và công bằng với mọi người thầy

08:11, 09/11/2012

Xưa, người ta không phân biệt đối xử người thầy đứng lớp với người thầy là cán bộ quản lý. Gần đây, đã nảy sinh sự thiếu công bằng ở 2 đối tượng ấy.

Xưa, người ta không phân biệt đối xử người thầy đứng lớp với người thầy là cán bộ quản lý. Gần đây, đã nảy sinh sự thiếu công bằng ở 2 đối tượng ấy.

Ngành giáo dục luôn có 2 lực lượng cơ bản đồng hành: lực lượng cán bộ quản lý được tuyển chọn từ các trường học đến các cấp quản lý đại diện cho Nhà nước thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ giáo dục mà Nhà nước đặt ra, bây giờ ta thường gọi ban giám hiệu trường, phòng GD-ĐT quận- huyện..., sở GD-ĐT tỉnh- thành. Lực lượng này được tuyển chọn từ những người thầy có đức có tài, có bản lĩnh trong hoạt động thực tiễn... Trong số ấy có những cán bộ lãnh đạo trường, huyện, tỉnh và Bộ GD-ĐT. Ngoài cán bộ quản lý chủ chốt còn có một số khác trong lực lượng quản lý là những người thầy được phân công chuyên sâu trên một số lĩnh vực người ta thường gọi là chuyên viên... Một lực lượng nữa là những người thầy đứng trên bục giảng. 2 lực lượng này cấu thành cơ thể của ngành GD-ĐT.

Nhưng trong thực tế đang diễn ra một điều đáng buồn. Về phía xã hội, phía phụ huynh- học sinh dường như nghiêng về người thầy trên bục giảng với sự quan tâm chăm sóc về mặt vật chất, tinh thần chào hỏi niềm nở, thâm tình hơn; ngày lễ ngày tết, nhất là ngày 20/11 thì mang quà đến tặng những người còn trên bục giảng; khi những người thầy ấy ốm đau hoặc có tang gia thì sự ân cần thăm viếng cũng nhiệt tình hơn. Trong khi đó, đội ngũ người thầy làm công tác quản lý thì chẳng mấy ai quan tâm. Cái đáng nói ở đây là về phía Nhà nước lại có thái độ đối xử với lực lượng này chưa công bằng. Họ từng đứng trên bục giảng, được tuyển chọn bổ sung cho lực lượng quản lý nhưng khi trở thành cán bộ quản lý lại không còn được hưởng chế độ phụ cấp và thâm niên. Có phải lúc bây giờ họ không còn trọn vẹn tư cách của một “người thầy”? Những thiệt thòi ấy của họ đã có dư luận xã hội, báo chí lên tiếng, đòi cấp có thẩm quyền bảo vệ chính đáng quyền lợi của người thầy khi họ trở thành cán bộ quản lý.

Thiết thực kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, người viết có hy vọng Đảng và Chính phủ khi tôn vinh người thầy thì phải bảo đảm sự công bằng đối với mọi người thầy. Có như thế thì người thầy sẽ không còn thoái thác như hiện nay khi rời bục giảng về làm công tác quản lý.

NGUYỄN THANH LIÊM (Trà Ôn)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh