Văn hóa xin lỗi

09:10, 17/10/2012

Chuyện xin lỗi nhau trong quan hệ giữa người và người đã có từ lâu ở Việt Nam ta. Nó đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, lịch sự và văn minh, đã truyền lại từ đời này sang đời khác. Cho đến hôm nay, vấn đề xin lỗi vẫn được chúng ta đề cao, coi đây là nét đẹp văn hóa. Nhưng đi vào thực tế cuộc sống, vẫn có nhiều khía cạnh làm hình ảnh tốt đẹp không còn trọn vẹn nữa.

Chuyện xin lỗi nhau trong quan hệ giữa người và người đã có từ lâu ở Việt Nam ta. Nó đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, lịch sự và văn minh, đã truyền lại từ đời này sang đời khác. Cho đến hôm nay, vấn đề xin lỗi vẫn được chúng ta đề cao, coi đây là nét đẹp văn hóa. Nhưng đi vào thực tế cuộc sống, vẫn có nhiều khía cạnh làm hình ảnh tốt đẹp không còn trọn vẹn nữa.

2 chữ “xin lỗi” rất đơn giản, rất nhỏ nhưng rất tình người, có nơi có lúc nghe rất dân dã. Khi nói chuyện với nhau, lỡ vấp lời thì họ dừng lại xin lỗi người nghe; khi đi đường bất cẩn va chạm thì cũng xin lỗi nhau; ở một số cơ quan hiện nay, trễ hẹn giao nộp hồ sơ cho dân, họ có thư xin lỗi đến tận người dân một cách nghiêm túc. Mới đây, ở Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cho cấp dưới xây dựng văn hóa xin lỗi trong giao tiếp ứng xử, cụ thể là phải biết xin lỗi công dân, doanh nghiệp khi không đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng hay sai sót trong quá trình chỉ đạo điều hành... Nêu một số ý trên để minh họa phần nào thực tế hiện nay xã hội vẫn tôn vinh giá trị văn hóa xin lỗi.

Trong khi xã hội phát huy cái vốn quý văn hóa xin lỗi thì vẫn còn một số người chưa thấy hết giá trị văn hóa xin lỗi; cũng có một số người thể hiện sự xin lỗi mà thiếu cái tâm, động thái xin lỗi để chiếu lệ; thậm chí có tổ chức, cá nhân làm sai trái gây hậu quả nghiêm trọng đến sinh mạng, tài sản công dân, của nhiều người, của đất nước nhưng họ không đếm xỉa gì đến chữ “xin lỗi”. Ví dụ báo chí đã từng phê phán nhiều cấp chính quyền trên cả nước ra hàng loạt quyết định sai gây tổn thương cho dân, cho nước nhưng ít nghe các cơ quan ấy lên tiếng xin lỗi; như phụ cấp thâm niên cho giáo viên kéo dài lê thê mà cũng chưa nghe Bộ GD-ĐT, cơ quan hữu trách có một lời xin lỗi nào; nhiều vụ án oan sai gây tác hại rất nghiêm trọng nhưng cũng khó tìm ra câu xin lỗi; quy hoạch treo kéo dài, người dân khó khăn trong cuộc sống do bị mất đất nhưng cũng khó tìm ra người xin lỗi v.v...

Nét văn hóa tốt đẹp về xin lỗi của dân tộc ta dù chưa phải lớn nhưng nó luôn thể hiện sáng ngời bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Các thế hệ hôm nay và mai sau cố gắng gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa ấy; vì thực tế hiện nay văn hóa xin lỗi vẫn là yêu cầu thiết thực của xã hội; đặc biệt là các cơ quan nhà nước, các cán bộ có chức có quyền càng phải nâng cao chất lượng về ứng xử văn hóa xin lỗi với cái tâm trong sáng của mình.

NGUYỄN THANH LIÊM (Trà Ôn)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh