Hiện nay, bên cạnh những biểu hiện không đẹp như: đánh, chửi nhau, quay cóp gian dối trong thi cử, chạy điểm, môi trường học đường đang bị báo động bởi những hiện tượng lệch chuẩn khác như nói tục, chửi thề, nói trống không…
Hiện nay, bên cạnh những biểu hiện không đẹp như: đánh, chửi nhau, quay cóp gian dối trong thi cử, chạy điểm, môi trường học đường đang bị báo động bởi những hiện tượng lệch chuẩn khác như nói tục, chửi thề, nói trống không…
Nguyên nhân do chính bản thân các em chưa được giáo dục tốt trong gia đình và do môi trường xung quanh góp thêm điều kiện để các em nói tục, chửi thề. Một số ít gia đình chưa giáo dục nghiêm khắc với trẻ từ bé. Ra đường, động một tí là nghe tiếng văng tục, thậm chí chính bố mẹ cũng văng tục trước mặt con cái. Khi đến trường học, một số ít thầy cô giáo (đặc biệt là giáo viên trẻ) tỏ ra khá thân mật với học sinh đã xưng hô “mày – tao” với học sinh, sinh viên, thậm chí “mày- tao” với nhau… Chính những hành vi đó đã tác động trực tiếp lên “bệnh” nói tục của học sinh, sinh viên. Nói tục ở mọi nơi, mọi lúc. Đang đi đường, ngồi uống nước, đi chơi và ngay cả trong sân trường vẫn nghe thấy tiếng nói tục. Các em nói chuyện với nhau bằng những ngôn từ không thể tin được. Những từ ngữ tục tĩu, chửi thề được phát ra thản nhiên, rồi được hưởng ứng bằng những tràng cười. Nhiều học sinh xưng hô với bố mẹ, với thầy cô còn chưa lễ phép. Một số gia đình chưa quan tâm dạy dỗ con em mình và còn coi đó như lẽ tự nhiên.
Gia đình và người thân các em phó mặc toàn bộ cho nhà trường. Một số bậc cha mẹ ngụy biện do có quá nhiều áp lực công việc, quá bận rộn không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái như trước đây. Cũng bởi thế, con cái có nhiều thời gian tự do hơn, tự do tiếp nhận thông tin và tự do làm theo ý mình hơn mà không có người hướng dẫn, định hướng. Cũng phải nhìn nhận một thực tế là trong nhà trường hiện nay vẫn nghiêng nhiều hơn về dạy kiến thức và chú trọng thành tích mà chưa quan tâm nhiều đến việc điều chỉnh hành vi, lối sống của học sinh.
Vì vậy, cần mở rộng và đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, trong đó có giáo dục chuẩn trong giao tiếp ứng xử. Có như vậy mới góp phần làm “trong sạch” và lành mạnh môi trường giáo dục và xã hội, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ.
TRẦN VĂN LỢI (Nam Định)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin