Ông cha ta xưa kia đã nhận thức rất đúng đắn về sự cần thiết của việc mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết đối với mỗi người nên đã khuyên nhủ, động viên con cháu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đi để có thêm kiến thức, am hiểu sự đời, học được nhiều cái hay, cái tốt của người khác, của địa phương để vận dụng cho mình và cho công việc.
Ông cha ta xưa kia đã nhận thức rất đúng đắn về sự cần thiết của việc mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết đối với mỗi người nên đã khuyên nhủ, động viên con cháu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đi để có thêm kiến thức, am hiểu sự đời, học được nhiều cái hay, cái tốt của người khác, của địa phương để vận dụng cho mình và cho công việc.
Ngày nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, quan hệ xã hội đã có nhiều thay đổi, những thông tin có được từ sách vở chưa thể cung cấp đầy đủ những kiến thức cần thiết cho chúng ta, nên việc học hỏi để có thêm kiến thức mới, phương pháp mới là điều hết sức quan trọng và cần thiết trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tế cho thấy, có những việc làm mà chỉ khi tận mắt chứng kiến, tận tai nghe ngóng, dùng tư duy để phân tích thì mới giúp hiểu thấu đáo, giúp cho chúng ta trau dồi kiến thức, để từ đó biết đối nhân xử thế, biết tường tận phải, trái để áp dụng vào lĩnh vực công tác của mình và đặc biệt là áp dụng vào đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, làm thế nào để “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là cả một vấn đề. Hiện nay, không ít cơ quan, đơn vị, địa phương... năm nào cũng chi kha khá tiền bạc để tổ chức các đoàn cán bộ, nhân viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. Có địa phương, đơn vị còn “rồng rắn” vào Nam, ra Bắc để tham quan, học tập kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo, điều hành, xây dựng địa phương. Có địa phương còn lập kế hoạch tổ chức đi nhiều lần, với nhiều đối tượng “tương đối rộng”, tiêu tốn số tiền không nhỏ. Việc học hỏi, cầu thị là hoàn toàn đúng, không ai có thể chê bai, song có điều “học phải đi đôi với hành”, học để về áp dụng vào thực tiễn địa phương mình, đơn vị mình, chứ “học” rồi để đấy, “học” nhưng không phải là học mà chỉ để “giải quyết chính sách” thì chẳng ích lợi gì. Hiện nay, việc đi đây, đi đó không còn là chuyện hiếm có như ngày xưa. Ai cũng có quyền tự do đi lại, học hành, kể cả ra nước ngoài. Học hỏi bằng con đường tham quan, du lịch; học hỏi bằng con đường du học… Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là để tiếp thu những kinh nghiệm, những kiến thức khoa học mới mẻ, tiên tiến của nhân loại, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày giàu mạnh mà vẫn giữ được bản sắc và truyền thống dân tộc.
Nhiều địa phương tổ chức nhiều chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một tỉnh đang trên đà phát triển. Sau mấy ngày ăn, ngủ khách sạn trở về ai cũng phấn chấn. Có điều, sau tham quan, học tập trở về, bà con hỏi có học và áp dụng vào địa phương mình được những gì thì hầu như ai cũng lắc đầu, thở dài “khó lắm, họ khác, mình khác, chịu thôi”! Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, việc học tập để mở mang nhận thức và hiểu biết của mỗi người càng trở nên cấp bách. Muốn xóa bỏ tình trạng lạc hậu, muốn rút ngắn sự cách biệt giữa vùng và các nước phát triển trên thế giới, chúng ta chỉ có một con đường là học: “Học, học nữa, học mãi” như lời Lê- nin đã dạy. Vấn đề đặt ra là phải học những điều hay, lẽ phải, biết vận dụng những điều thiết thực, bổ ích cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Đi và học là mong muốn chính đáng cho những ai khao khát học hỏi, cầu thị tiếp cận kiến thức mình chưa biết, với tinh thần “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở cuộc sống”. Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, khoa học công nghệ phát triển nhanh, mạnh, chúng ta rất cần đi nhiều nơi để học hỏi những điều hay, cách làm mới, mang lại hiệu quả cho nhân dân, để không bị tụt hậu so với các địa phương khác. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc cần chấn chỉnh việc “đi cũng nhiều nhưng chẳng học được bao nhiêu”!
NGUYỄN VĂN THANH (Hải Dương)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin