Dân ta đã đổ biết bao xương máu để giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ mốc son lịch sử ấy, vị thế dân tộc ta từng bước chững chạc đi lên. Nhìn lại chặng đường lịch sử 67 năm qua, dân tộc ta đã có nhiều chuyển biến đáng được trân trọng.
Dân ta đã đổ biết bao xương máu để giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ mốc son lịch sử ấy, vị thế dân tộc ta từng bước chững chạc đi lên. Nhìn lại chặng đường lịch sử 67 năm qua, dân tộc ta đã có nhiều chuyển biến đáng được trân trọng.
Chỉ lấy một không gian nhỏ trên mảnh đất Trà Ôn- vùng đồng bằng sông nước thuộc tỉnh Vĩnh Long cũng đủ thấy rõ sự đổi thay ấy. Dưới chế độ thực dân phong kiến, ở huyện Trà Ôn thời đó, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, mà đất đai thì hầu như trong tay bọn địa chủ quan làng. Như ở Hòa Bình thì có địa chủ khét tiếng là cai tổng Triêm. Ở ven sông Hậu có tên địa chủ Quản Hòa dù chưa khét tiếng là gian ác nhưng bóc lột tô tuất của nhân dân thì cũng không thua kém tên địa chủ nào. Đặc biệt là tên đại địa chủ Phủ Hàm Yên chiếm đất bạt ngàn, lại có thủ đoạn dùng cái giạ 44 lít để thu lúa ruộng, cứ mỗi giạ lúa thì nó ăn chặn của dân 4 lít, mà một mùa ruộng đâu phải chỉ có vài trăm giạ lúa mà phải nói đến con số nhiều ngàn. Sự bóc lột trắng trợn ấy dù bị người dân vạch mặt chỉ trán nhưng có sự bao che của bề trên nên tòa chỉ phạt hắn 15 quan tiền. Và còn biết bao tên địa chủ lớn nhỏ khác trong huyện đã cột chặt nông dân vào đồng ruộng làm ra hột lúa, đong lúa ruộng cho chúng, cung phụng chúng khi hữu sự. Người dân sống cơ cực, bần hàn quanh năm suốt tháng, có khi làm xong mùa ruộng lúa không đủ đóng cho chủ đất và họ chấp nhận thiếu đến mùa sau trả, đồng thời cũng chấp nhận lãi suất do chủ đất định ra. Cho nên, nông dân lam lũ bám đất bám ruộng, làm ra hạt lúa mà họ cam chịu cảnh thiếu ăn trong khi bọn địa chủ thì dư thừa hoang phí.
Người dân cực lực lao động tạo của cải vật chất cho xã hội chẳng những không được quý trọng mà họ còn bị bọn thực dân, bọn quan làng đàn áp, đánh đập vô tội vạ. Họ coi người nghèo không có quyền làm người, chỉ là kẻ nô lệ trong sự sai khiến của bọn ăn trên ngồi trước. Chịu không nổi cảnh áp bức bất công, nhiều nhà yêu nước đứng lên cổ vũ người dân chống lại chúng, chống sưu cao thuế nặng, chống áp bức bóc lột... Nhưng, sức yếu thế cô, phần lớn những thủ lĩnh yêu nước bị tù đày. Ở Trà Ôn, có ông Nguyễn Ngươn Hanh (Xã Trinh), Sáu Son, Lê Công Trí, Ba Chí,... Riêng ông Xã Chinh đã 9 lần vào tù ra khám, do tuổi cao sức yếu ông hy sinh tại nhà tù Côn Đảo (1942). Kẻ thù một mặt đàn áp người yêu nước, một mặt đàn áp người dân vô tội làm cho cuộc sống người dân vô cùng cơ cực, ngột ngạt, khó thở.
Luồng gió của Cách mạng Tháng Tám bùng nổ với lòng căm thù sâu sắc bọn thực dân phong kiến được người dân Trà Ôn nhiệt liệt hưởng ứng. Các cán bộ lãnh đạo tập hợp lực lượng ở các xã Hòa Bình, Xuân Hiệp, Thới Hòa, Trà Côn, Vĩnh Xuân, Hựu Thành, Thuận Thới... hừng hực khí thế khởi nghĩa kéo về thị trấn Tam Bình yểm trợ cho lực lượng khởi nghĩa nơi đây. Khi cướp chính quyền ở Tam Bình xong thì ngày 27/8/1945 Trà Ôn đã quy tụ trên 500 người cùng lực lượng khởi nghĩa ở Tam Bình chi viện kéo về chợ Trà Ôn buộc tên quận Khen phải giao chính quyền cho cách mạng.
Từ những hạt giống đỏ của các chi bộ Đảng đầu tiên ở La Ghì, Vĩnh Xuân, ở Ba Chùa- Nhơn Bình đã tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù sâu sắc của người dân Trà Ôn. Sức mạnh vật chất và tinh thần hòa quyện với nhau giúp cho người dân Trà Ôn giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám rực rỡ. Có Đảng lãnh đạo, có khí thế cách mạng của quần chúng, Trà Ôn vững vàng vượt qua bao chặng đường khó khăn gian khổ trong đánh Pháp và đánh Mỹ để cùng cả nước có chung một lời ca: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (30/4/1975).
Sau 37 năm độc lập thống nhất đất nước, người dân Trà Ôn tiếp tục phát huy hào khí kiên cường trong đánh giặc, bắt tay vào xây dựng lại quê hương dù phải trải qua bao thăng trầm sau ngày đất nước thống nhất. Khi có đường lối đổi mới của Đảng, người dân Trà Ôn sớm bắt đúng nhịp đã từng bước tạo sự thay da đổi thịt cho quê mình trên nhiều lĩnh vực, nổi rõ ở các lĩnh vực như điện, đường, trường, trạm đã đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống của người dân mà sau ngày giải phóng chưa có ai dám mơ được như vậy. Ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo giúp sức của cấp trên, cái cốt lỗi là sự nỗ lực phi thường của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới vào điều kiện cụ thể của huyện nhà, đã tạo ra diện mạo tươi đẹp của huyện như hôm nay. Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên trên tầm cao mới. Họ cùng cả nước đã, đang vững bước đi lên con đường: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có cuộc sống sung túc như hôm nay, người dân đã thực sự trở thành người chủ của xã hội sống trong không khí độc lập tự do, ấm no hạnh phúc. Đến hôm nay, người dân Trà Ôn nhìn lại thời quá khứ để khẳng định giá trị của một thời hào hùng, khẳng định giá trị của sự độc lập- tự do mà chúng ta đang hưởng hôm nay.
NGUYỄN THANH LIÊM (Trà Ôn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin