Thi hay kiểm tra?

10:08, 22/08/2012

Trong giao tiếp hàng ngày, khi nói hoặc viết có lúc ta dùng từ sai hoặc nhầm lẫn khiến nội dung cần diễn đạt thiếu chính xác. Sự nhầm lẫn này có khi ta nhận ra ngay, nhưng không phải lúc nào ta cũng thấy được điều đó, có thể là do “quen miệng” hoặc chưa nắm chắc nội dung, tính chất, ý nghĩa mà từ ngữ đó cần biểu hiện trong một hoàn cảnh, phạm vi nhất định.

Trong giao tiếp hàng ngày, khi nói hoặc viết có lúc ta dùng từ sai hoặc nhầm lẫn khiến nội dung cần diễn đạt thiếu chính xác. Sự nhầm lẫn này có khi ta nhận ra ngay, nhưng không phải lúc nào ta cũng thấy được điều đó, có thể là do “quen miệng” hoặc chưa nắm chắc nội dung, tính chất, ý nghĩa mà từ ngữ đó cần biểu hiện trong một hoàn cảnh, phạm vi nhất định. Cụ thể là từ “thi” và “kiểm tra” mà một số học sinh, giáo viên thường sử dụng khi kết thúc mỗi học kỳ của năm học.

Vào những thời điểm đó, không ít lần ta nghe những mẩu đối thoại đại loại như: bài kiểm tra môn Văn của bạn thế nào, điểm thi môn Toán ra sao; hoặc thầy đã báo cáo điểm thi cho ban giám hiệu chưa, cô đã chấm bài kiểm tra chưa... “Thi” và “kiểm tra” cứ lộn tùng phèo cả lên! Vậy “thi” hay “kiểm tra”?

Theo từ điển tiếng Việt thì:

- “Thi: Dự những hình thức kiểm tra theo quy định về kiến thức, kỹ năng để xét chính thức công nhận có đủ một tư cách nào đó”. Điều này được hiểu là một quy trình, một công việc đã kết thúc cần phải thi để đánh giá công nhận.

- Kiểm tra: Xem xét tình hình thực tế để đánh giá nhận xét”, tức là nhằm rút ra một kết luận nào đó.

Từ những khái niệm này, đối chiếu lại ta thấy: một bậc học phổ thông (như THPT chẳng hạn) phải trải qua 3 lớp: 10, 11, 12. Sau khi học xong lớp 12, học sinh sẽ được dự kỳ thi gọi là thi tốt nghiệp THPT để được xét chính thức công nhận tốt nghiệp THPT vì lúc đó chương trình bậc học đã kết thúc.

Còn từ lớp 10 lên lớp 11 hay lớp 11 lên lớp 12, học sinh chỉ được kiểm tra qua mỗi học kỳ để được xét lên lớp tiếp theo. Mỗi lớp như vậy chỉ là một “phân khúc” của bậc THPT, có nghĩa là lúc đó học sinh chưa hoàn thành chương trình THPT, bậc học chưa kết thúc nên chỉ là kiểm tra chứ không phải là thi. Chính vì vậy mà các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến vấn đề này từ Sở GD-ĐT đến phòng GD-ĐT đều nhất quán dùng từ kiểm tra.

Sự nhầm lẫn giữa thi và kiểm tra qua mỗi lần kiểm tra học kỳ của một bộ phận học sinh, giáo viên là không phổ biến, không ảnh hưởng đến tính chất của công việc. Nhưng dù sao nếu chúng ta gọi đúng tên gọi của nó thì vẫn tốt hơn.

SONG NGUYỄN (Bình Minh)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh