Khái niệm “vệ sinh an toàn thực phẩm” xưa nay ta vẫn dùng là chưa chuẩn và chưa đủ. Đúng ra phải là “vệ sinh và an toàn thực phẩm”.
Khái niệm “vệ sinh an toàn thực phẩm” xưa nay ta vẫn dùng là chưa chuẩn và chưa đủ. Đúng ra phải là “vệ sinh và an toàn thực phẩm”.
Vệ sinh thực phẩm là một khái niệm rộng, bao hàm mọi yếu tố của thực phẩm mà con người chấp nhận được để duy trì và nâng cao sức khỏe. Còn an toàn thực phẩm vừa là mục đích, vừa là hệ quả của việc thực hiện các điều kiện vệ sinh. Do đó, vệ sinh đề cập đến tất cả các lĩnh vực an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và các yếu tố nhằm nâng cao sức khỏe. Hai lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm mà quốc gia nào, địa phương nào cũng phải kiểm soát là: an toàn của sản phẩm và điều kiện vệ sinh sản xuất ra sản phẩm.
Trong thời gian qua, ở nước ta nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng, vệ sinh và an toàn thực phẩm đã được người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng quan tâm, có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cách thức quản lý vừa chồng chéo, vừa bỏ sót hoặc buông lỏng, chưa có một bộ, ban ngành nào quản lý được tất cả các lĩnh vực cần quản lý trên toàn bộ chuỗi thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể còn xảy ra, trong năm 2011 Vĩnh Long có 4 vụ, với 67 người mắc (không có tử vong) ít nhiều làm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe con người.
Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực vệ sinh và an toàn thực phẩm, Quốc hội khóa XII đã thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 về Luật An toàn thực phẩm, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21/10/2011 về việc “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Để Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư và Luật An toàn thực phẩm đi vào cuộc sống đem lại hiệu quả thiết thực, trước hết phải triển khai quán triệt sâu sắc trong toàn hệ thống chính trị, đến tất cả cán bộ, đảng viên và hội viên các đoàn thể trong tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thực phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm, người dân vùng nông thôn; phát động phong trào rộng khắp và duy trì việc thực hiện các tiêu chí về an toàn thực phẩm gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tạo chuyển biến sâu sắc trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng hóa bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm theo tinh thần Công văn số 346-CV/TU ngày 16/11/2011 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư về việc “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Thực hiện tốt Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư và Luật An toàn thực phẩm là chủ động giảm được ngộ độc trong các dịch vụ cung cấp, kinh doanh thực phẩm và thức ăn đường phố, nâng cao sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và thể hiện nếp sống văn minh.
MAI CẨM HỒNG (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin