Không biết có phải do lịch sử mấy nghìn năm gắn chặt với nền sản xuất nông nghiệp- một nghề không câu nệ lắm vào giờ giấc, nên hiện nay đang tồn tại một bộ phận lớn người Việt Nam chúng ta mắc chứng bệnh lề mề hay không?
Không biết có phải do lịch sử mấy nghìn năm gắn chặt với nền sản xuất nông nghiệp- một nghề không câu nệ lắm vào giờ giấc, nên hiện nay đang tồn tại một bộ phận lớn người Việt Nam chúng ta mắc chứng bệnh lề mề hay không?
Những người mắc bệnh lề mề “kinh niên” thường có biểu hiện là đi làm việc không đúng giờ giấc quy định, cụ thể là thường xuyên đi muộn. Giấy mời họp phụ huynh học sinh ghi là 14 giờ nhưng phải đến 14 giờ 30 phút phụ huynh đầu tiên mới có mặt và nhiều vị một giờ đồng hồ sau mới tìm được phòng họp... Đấy chỉ là một vài ví dụ để chứng minh rằng bây giờ một bộ phận dân ta rất thiếu ý thức kỷ luật, không tôn trọng giờ giấc cũng như công việc. Số người chấp hành nghiêm chỉnh giờ giấc làm việc, họp hành chỉ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn. Nhưng trong số những người đến đúng giờ ở các cuộc họp ấy lại có một vài người đến chỉ cốt lấy phong bì bồi dưỡng xong thì vội vàng tìm đường thoái lui khi có thời cơ, để làm công việc ở nơi khác.
Chính vì trong các cơ quan, đoàn thể còn có những người chấp hành quy định giờ giấc làm việc chưa nghiêm nên mới nảy sinh những chuyện kỳ lạ, khôi hài mà có lẽ chỉ có ở Việt Nam ta là trong giấy mời phải ghi trừ hao để trừ đi phần thời gian “lề mề” của những người lề mề. Còn thời gian trong giấy mời mà đúng với thời gian dự kiến thì chắc chắn phải lùi thời điểm làm việc lại từ 30 phút đến một giờ để... đợi đại biểu đến đông đủ mới họp, chứ chẳng lẽ lại họp khi chưa có hoặc có rất ít đại biểu hay sao? Rồi có không ít những cuộc họp phải hoãn lại chỉ vì tưởng là không có hoặc không đủ đại biểu đến dự…
Bệnh lề mề gây ra nhiều ảnh hưởng xấu, thậm chí có những trường hợp gây thiệt hại về nhiều mặt cho cá nhân, tổ chức. Trước hết, bệnh lề mề tạo cho người ta một thói quen luôn thiếu ý thức kỷ luật, không có nề nếp, quy tắc và dần dần dẫn đến lối sống tự do thái quá, vô tổ chức, vô kỷ luật. Bên cạnh đó, căn bệnh này còn làm mất thời gian, gây khó chịu cho những người chấp hành tốt giờ giấc vì phải đợi chờ. Một cơ quan, tổ chức có nhiều người mắc bệnh lề mề sẽ tạo ra sự lộn xộn, rối ren và lãnh đạo phải mất nhiều thời giờ để nhắc nhở, chỉnh đốn nhân viên. Đặc biệt, bệnh lề mề gây ra những thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế bởi với khoảng thời gian lề mề vô ích ấy, con người ta có thể làm được rất nhiều việc cho cơ quan, gia đình; hay một quyết định, chủ trương ra đời muộn một vài giờ có thể làm cho đơn vị mất đi cơ hội làm ăn, thậm chí còn đe dọa đến vận mệnh của đơn vị, tổ chức chứ không phải chuyện nhỏ...
Người nước ngoài đều đánh giá rất cao phẩm chất thông minh, cần cù, luôn vượt khó của người Việt Nam nhưng họ cũng rất “dị ứng” với căn bệnh lề mề của chúng ta; bởi có thể coi bệnh lề mề là một lực cản của sự phát triển. Vì vậy, người Việt chúng ta cần phải phá bỏ lực cản “lề mề” ấy đi để rèn luyện thành một con người có ý thức tổ chức, kỷ luật tốt, có tác phong công nghiệp để góp phần mình vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
TRẦN VĂN LỢI (Nam Định)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin