Cần xem lại cách gọi về “tai nạn” và “va chạm” giao thông

07:06, 27/06/2012

Qua các cuộc điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong nhiều năm liền, tỷ lệ người được hỏi lo lắng về tình hình tai nạn giao thông luôn được xếp thứ 2 chỉ sau tình hình giá cả thị trường. Chứng tỏ, tình hình tai nạn giao thông luôn là nỗi lo, mối quan tâm thường trực của các ngành chức năng, của những người tham gia giao thông nói chung và đối với toàn xã hội, vì

Qua các cuộc điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong nhiều năm liền, tỷ lệ người được hỏi lo lắng về tình hình tai nạn giao thông luôn được xếp thứ 2 chỉ sau tình hình giá cả thị trường. Chứng tỏ, tình hình tai nạn giao thông luôn là nỗi lo, mối quan tâm thường trực của các ngành chức năng, của những người tham gia giao thông nói chung và đối với toàn xã hội, vì có liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và tính mạng của nhân dân.

Tuy nhiên, việc phân tích tên gọi “tai nạn giao thông” (nói đến việc tai nạn xe có chết người); còn “va chạm giao thông” thì có xảy ra tai nạn nhưng không chết người. Đó là tên gọi của ngành chức năng trong thời gian qua. Nhưng lâu nay theo tập quán, thói quen, người dân khi có sự vụ “va chạm” hay “va quẹt” giao thông có người bị thương tích, máu me hoặc hư hao thiệt hại tài sản thì người ta vẫn gọi là “tai nạn giao thông”!

Theo từ điển tiếng Việt, “tai nạn” là: danh từ chỉ sự việc bất ngờ xảy ra gây thiệt hại lớn cho con người. Vậy như thế nào là thiệt hại lớn, trong khi không ít vụ việc gọi là “va chạm giao thông” nhưng có nhiều người bị thương, có người bị tàn phế (sống cũng như chết); phải mất nhiều tiền để điều trị thương tích hoặc hư hao giá trị tài sản lớn và còn có tác động xấu đến nhiều thành viên khác trong nhiều gia đình, người thân và tác động không tốt đến toàn xã hội. Phải chăng những thiệt hại của những vụ “va chạm” giao thông này xét ở mức độ nào đó không thua gì những vụ “tai nạn” giao thông gây chết người? Vậy thì chúng ta có nên dùng “thuật ngữ” để thay thế làm nhẹ đi tình hình tai nạn giao thông vốn là “vấn nạn” của toàn xã hội hiện nay!?

Trong Bộ luật Dân sự Việt Nam có quy định khá rõ “khung” đối với từng tỷ lệ thương tật để trên cơ sở đó xử lý mức độ vi phạm pháp luật cho người gây ra. Thiết nghĩ, ngành chức năng cũng trên cơ sở đó để đánh giá mức độ, tính chất của các vụ việc “va chạm”, “va quẹt” giao thông để có tên gọi thống nhất và thuyết phục hơn. Theo ý kiến cá nhân tôi, đối với những vụ va chạm giao thông nếu có người bị thương tật mức độ từ 30% trở lên đều gọi là “tai nạn giao thông”. Việc đánh giá mức độ này hoàn toàn nằm trong khả năng xử lý của ngành chức năng. Đồng thời phải thống kê đưa vào báo cáo các con số cụ thể đối với các vụ va chạm, va quẹt giao thông, không nên nhập nhằng giữa con số “va chạm” giao thông nhưng ngành chức năng làm trung gian thỏa thuận và những con số chưa giải quyết được. Chính vì điều này nên trong các báo cáo của ngành chức năng thường có cách biệt gấp chục thậm chí gấp trăm lần so với con số thống kê của bệnh viện đa khoa ở các địa phương trong cùng thời điểm cùng thống kê về số ca bị tai nạn giao thông (là người trên địa bàn). Riêng trong tháng 5/2012, theo cập nhật thông tin từ báo, đài, nhiều ngày liền trên địa bàn tỉnh không có trường hợp tai nạn hay va chạm giao thông (đơn cử toàn tỉnh trong tháng 5 chỉ xảy ra 8 vụ tai nạn và chỉ có 2 vụ va chạm giao thông). Nếu đúng như thế thì tình hình trật tự giao thông trên địa bàn tỉnh quá tốt, tuy nhiên theo nhiều người cho rằng con số thống kê về va chạm giao thông trên là khó thuyết phục. Bởi theo nhiều người thường xuyên tham gia giao thông thì hàng ngày không ở địa phương này thì địa phương khác, người ta vẫn chứng kiến có những những vụ “va quẹt”, “va chạm” giao thông xảy ra.

Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn nhìn nhận thực trạng, mức độ tình hình an toàn giao thông, thống nhất tên gọi và những con số thực tế có liên quan đến tình hình va chạm giao thông để giúp cấp ủy có cái nhìn sát thực, qua đó có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả và bên cạnh đó còn giúp cho công tác tuyên truyền được thuyết phục hơn.

DUY DẪN (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh