Khi chạy xe trên đường, bạn thật khó biết được điều gì sẽ xảy ra với mình. Không hẳn là chỉ cần đi xe với tốc độ chậm, quan sát cẩn thận là an toàn bởi tai nạn có khi như “từ trên trời rơi xuống”. Điều quan trọng là khi tai nạn xảy ra, mỗi người trong cuộc phải thật sự bình tĩnh và ứng xử sao cho có văn hóa nhất, bởi ai đúng, ai sai sẽ có luật pháp phân xét. Tuy nhiên,
Khi chạy xe trên đường, bạn thật khó biết được điều gì sẽ xảy ra với mình. Không hẳn là chỉ cần đi xe với tốc độ chậm, quan sát cẩn thận là an toàn bởi tai nạn có khi như “từ trên trời rơi xuống”. Điều quan trọng là khi tai nạn xảy ra, mỗi người trong cuộc phải thật sự bình tĩnh và ứng xử sao cho có văn hóa nhất, bởi ai đúng, ai sai sẽ có luật pháp phân xét. Tuy nhiên, hiện nay còn có không ít trường hợp ứng xử không đẹp dù là bị nạn hay gây tai nạn cho người khác…
Một lần nọ, khi chở đứa cháu đi chơi, tôi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông. Hai thanh niên đèo nhau chạy xe lạn lách, húc vào sau đuôi chiếc xe máy khác do một nam sinh điều khiển làm cả hai xe ngã. Thay vì xin lỗi và giúp người bị nạn, hai thanh niên trên tỏ thái độ hung hãn, lao vào nắm cổ áo, định dùng tay đánh nam sinh trên với lý do “xe mày chạy chậm quá làm tụi tao… mém chết!” May thay, một số người đi đường đã kịp thời ngăn cản, giữ nguyên hiện trường và các bên liên quan để chờ công an đến giải quyết.
Một lần khác, khi tôi đang đi xe máy đúng phần đường dành cho mình trên đường thì bất ngờ thấy một người đàn ông tóc muối tiêu đạp xe từ trong hẻm bất ngờ lao ra, rất nguy hiểm. May mà tôi bẻ lái tránh kịp nên cả hai xe chỉ bị va quẹt sơ sơ, không xe nào ngã, cũng không bị thương tích. Đáng ra phải xin lỗi tôi nhưng người đàn ông này dừng xe lại, miệng lầm bầm chửi tôi đi ẩu, suýt gây tai nạn cho ông ta. Do thấy ông ta lớn tuổi hơn mình, với lại, chuyện cũng không có gì quá to tát nên tôi im lặng, lên xe đi tiếp.
Đâu chỉ thế, có rất nhiều biểu hiện, hành vi thể hiện thiếu văn hóa ứng xử trong giao thông như: tình trạng thanh- thiếu niên chạy xe máy chở ba, chở bốn; không đội nón bảo hiểm; lạn lách, đánh võng, bóp còi, nẹt pô, rú ga ngay tại những tuyến phố trung tâm có đông khách du lịch qua lại. Việc tháo kính chiếu hậu xe máy, lắp thêm hoặc thay các loại đèn, còi… sai với thiết kế ban đầu của xe đối với nhiều người trẻ tuổi như một hội chứng. Hiện tượng vừa đi xe đạp, môtô vừa nhắn tin điện thoại hoặc dàn hàng ngang trên đường khá phổ biến. Nhiều trường hợp đang lái xe trên đường vẫn rút điện thoại ra nói chuyện, bất chấp nguy hiểm và sự khó chịu của những người xung quanh.
Giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, tất nhiên là phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Nhưng, trước hết cần thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông làm sao có văn hóa. Có thể nói việc ứng xử có văn hóa khi chạy xe trên đường là điều rất cần thiết với tất cả chúng ta, bởi nó thể hiện trình độ văn hóa, phong cách sống của mỗi con người. Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông góp phần xây dựng văn minh đô thị.
Thiết nghĩ, để an toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người, mỗi nhà, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông thì công tác tuyên truyền, giáo dục xây dựng nếp sống văn hóa giao thông càng phải được đẩy mạnh hơn bao giờ hết để tai nạn giao thông không còn là nỗi lo cho mỗi người, nhất là khi các phương tiện giao thông phát triển quá nhanh.
NHẤT HUỲNH (Vũng Liêm)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin