Lo ngại sốt xuất huyết vào mùa cao điểm

Cập nhật, 07:14, Thứ Ba, 19/11/2019 (GMT+7)

Các chuyên gia y tế dự báo, những tháng cuối năm, bệnh sốt xuất huyết (SXH) sẽ còn diễn biến phức tạp do đang vào cao điểm của bệnh (từ tháng 9 đến tháng 12). Vậy đâu là giải pháp mà ngành y tế Vĩnh Long thực hiện để khống chế bệnh SXH? Và người dân cần phải làm gì để bảo vệ sức khỏe trước bệnh SXH đang gia tăng như hiện nay?

Khi phát hiện người thân có biểu hiện sốt cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Khi phát hiện người thân có biểu hiện sốt cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Số ca mắc tăng gấp 3 lần

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, hiện là mùa cao điểm của bệnh SXH, số ca mắc gia tăng nhanh tại các huyện- thị- thành trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến 10/11/2019, Vĩnh Long ghi nhận gần 2.900 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Nhiều ổ dịch nhỏ được khống chế nhưng sau đó vẫn tái phát và điều đáng quan tâm là người dân vẫn còn chủ quan trước căn bệnh nguy hiểm này. Bệnh SXH năm nay diễn biến phức tạp, không chỉ xảy ra đối với trẻ em mà kể cả người lớn. Đặc biệt, nhiều trường hợp mắc bệnh trong tình trạng nặng.

Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, số bệnh nhi SXH đến viện khám và nhập viện không chỉ tăng cao mà số ca bệnh nặng cũng tăng. Điểm chung của các bệnh nhân khi vào viện là sốt cao 3- 4 ngày, gia đình tự mua thuốc uống giảm sốt nhưng không hết. Em N.T.T. Như (14 tuổi, xã Đồng Phú- Long Hồ) bị sốt cao nhưng do nghĩ là sốt thông thường nên mẹ em chỉ mua thuốc về uống.

Sau 4 ngày thấy con không hết bệnh mà càng sốt cao hơn lại nôn ói, nên gia đình đưa đến bệnh viện. Qua thăm khám, em được các bác sĩ chẩn đoán là mắc SXH nặng có sốc phải theo dõi, điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu của Khoa Nhi.

Điều đáng nói là người lớn lại thường hay chủ quan trong việc phòng ngừa bị muỗi chích cũng như trong cách xử lý ở giai đoạn bệnh khởi phát. Khi có các dấu hiệu ban đầu như sốt, mệt mỏi, người lớn thường chịu đựng, cho qua hoặc tự mua thuốc điều trị tại nhà. Điều này rất nguy hiểm vì nếu có bệnh lý đi kèm, khi SXH diễn tiến nặng, việc điều trị sẽ gặp khó khăn.

Theo BS Trần Tất Trung- Trưởng Khoa Nhiễm (BVĐK tỉnh), bệnh SXH ở người lớn tăng cả về số lượng bệnh nhân và số trường hợp nặng có sốc.

Từ đầu năm đến nay, có trên 300 trường hợp người lớn bị SXH. Đặc biệt, trong 2 tháng 8 - 9, bình quân mỗi tháng có khoảng 60 trường hợp mắc SXH ở người lớn nhập viện điều trị. Trong đó, nhiều trường hợp sốt tái đi tái lại nhiều lần, cần có sự theo dõi chặt chẽ và điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Thời điểm nguy hiểm và bệnh diễn tiến nặng nhất rơi vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 từ khi phát bệnh. Khi đó bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt nhưng lại xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu gây chảy máu, tụt huyết áp, suy gan, suy thận... Do vậy, khi phát hiện người thân có biểu hiện sốt cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân nếu có dấu hiệu sốt cao, mắt xung huyết, đau đầu, mỏi cơ... cần đến cơ sở y tế khám, làm xét nghiệm để được điều trị sớm. Khi bản thân hoặc gia đình có người mắc SXH, cần báo ngay với y tế địa phương để cảnh báo, phun thuốc diệt muỗi, tránh bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.

Bệnh còn diễn biến phức tạp

Dự báo từ đây đến cuối năm, bệnh có khả năng diễn biến phức tạp bởi đây là năm chu kỳ của dịch SXH. Với tình hình hiện nay, nếu chỉ có ngành y tế vào cuộc, việc ngăn chặn bệnh SXH sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chỉ diệt lăng quăng mới mong ngăn được SXH, tuy nhiên người dân vẫn còn chủ quan, thậm chí là chưa ý thức về việc phòng bệnh SXH.

Nhiều hộ gia đình dù có nước máy nhưng vẫn sử dụng lu- kiệu chứa nước mưa để tận dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Việc không thực hiện vệ sinh dụng cụ chứa nước thường xuyên tạo môi trường, điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển.

Tình trạng ao tù, nước đọng- môi trường thuận lợi để muỗi sinh sôi và phát triển- khiến số trường hợp mắc bệnh SXH ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi ngành y tế địa phương xử lý ổ dịch, một số người dân không hợp tác, khiến tình hình bệnh SXH chẳng những không được khống chế, mà còn có nguy cơ lan rộng ra cộng đồng.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, trước những diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngành y tế tăng cường hệ thống giám sát về ca bệnh, giám sát quần thể muỗi và lăng quăng, quản lý chặt chẽ diễn biến tình hình SXH trong cộng đồng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, phát hiện sớm, xử lý triệt để những ổ dịch.

Ngoài ra, ngành y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, chủ động cắt đường lây truyền của bệnh SXH trong cộng đồng; tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức chủ động phòng chống bệnh bằng cách thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng thường xuyên tại nhà, dọn dẹp môi trường trong nhà và xung quanh, khi ngủ phải ngủ mùng. Có như thế thì công tác phòng chống bệnh SXH mới thật sự đem lại hiệu quả cao.

Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2019, cả nước có khoảng 200.000 ca mắc SXH, với 50 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số trường hợp mắc bệnh SXH tăng gần 3 lần. Đặc biệt bệnh SXH tăng cao điểm vào tháng 10, tháng 11 do thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN