Lần đầu tại Việt Nam: Bác sĩ cắt u thần kinh khi bệnh nhân đang hát

Cập nhật, 14:26, Thứ Ba, 29/01/2019 (GMT+7)

Các bác sĩ chỉ gây tê để vừa phẫu thuật vừa trò chuyện với bệnh nhân, thậm chí có lúc còn yêu cầu người bệnh hát liên tục.

Ngày 28/1, với sự giúp đỡ của chuyên gia Nhật Bản, các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức lần đầu tiên phẫu thuật thành công, cắt khối u tế bào thần kinh không cần gần mê, tức là mổ khi bệnh nhân vẫn đang tỉnh táo hoàn toàn.

Phương pháp này được thực hiện tại các nước phát triển từ cách đây gần 20 năm, còn tại Việt Nam đây là trường hợp đầu tiên.

PGS, TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc BV Việt Đức.
PGS, TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc BV Việt Đức.

Phương pháp mới này được áp dụng đối với bệnh nhân Nguyễn Trung Kiên, 36 tuổi, ở Hà Nội, bị u tế bào thần kinh đệm.

Kích thước khối u lớn, với đường kính lên tới hơn 6cm đã chèn ép chức năng vận động, gây ra những cơn động kinh. Bệnh nhân đã từng được mổ cắt khối u bằng phương pháp gây mê toàn thân.

Khi đó, các bác sĩ chỉ cắt khối u với diện tích hẹp vì lo ngại nếu cắt rộng phần xung quanh sẽ ảnh hưởng đến nhiều chức năng, đặc biệt là chức năng nói, khiến bệnh nhân có thể bị câm vĩnh viễn.

Lần phẫu thuật thứ 2 này, các bác sĩ chỉ gây tê để vừa phẫu thuật vừa trò chuyện với bệnh nhân, thậm chí có lúc còn yêu cầu người bệnh hát liên tục để biết chắc rằng phạm vi phẫu thuật không ảnh hưởng đến chức năng nói của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ hoặc không thực hiện theo hiệu lệnh thì bác sĩ sẽ biết được rằng mình đang chạm vào vỏ não, gần vùng nguy hiểm.

Bệnh nhân sau khi được phẫu thuật.
Bệnh nhân sau khi được phẫu thuật.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, nếu mổ theo phương pháp cũ, gây mê sâu, bệnh nhân ngủ thì bác sĩ sẽ khó biết trong quá trình phẫu thuật có đụng chạm vào chức năng nói và chức năng vận động của bệnh nhân hay không.

Khi áp dụng phương pháp mổ thức tỉnh, tức là mổ khi bệnh nhân đang tỉnh táo hoàn toàn sẽ giảm thiểu được những di chứng như liệt, không nói được. Đây là những di chứng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của bệnh nhân./.

Theo Văn Hải/VOV1